|

Lược sử Giáo
xứ Thiết Nham
Thiết Nham là một trong 11 giáo xứ được thành lập đầu tiên của
giáo phận Bắc Ninh từ thời Đức Cha Colomer Lễ (1883-1902), nằm ở
thôn Thiết Nham, xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cách
tòa giám mục Bắc Ninh 20 km về hướng đông bắc.
Giáo xứ Thiết Nham có bốn họ đạo: họ nhà xứ Thiết Nham, Bãi Bằng,
Như Thiết và Bích Sơn, với số giáo dân là 1.390 nhân danh.
Tuy không có một tài liệu nào nói đến và không ai nhớ chính xác
người dân giáo xứ Thiết Nham đón nhận Tin Mừng từ bao giờ, nhưng
trong danh sách 117 thánh tử đạo Việt nam đã nhắc đến 2 thánh linh
mục đã từng coi sóc vùng Thiết Nham đó là cha thánh Giuse Đặng Đình
Viên ( tử đạo năm 1838) và cha thánh Phêrô Almatô Bình (tử đạo năm
1861). Trong danh sách 100 vị đầu mục chịu tử đạo ngày 4/4/1862 tại
cổng tả thành Bắc Ninh có tên 5 vị đầu mục người Thiết Nham là :
Gioan Nghìn, Gioan Ổn, Gioan Nhiêu, Phêrô Hữu và Đaminh Dũng (họ Như
thiết). Vì vậy, có thể nói Tin Mừng đã được gieo vào vùng Thiết Nham
từ khá sớm trong công cuộc truyền giáo ở Việt nam.
Trước năm 1954, Thiết Nham là một trong những giáo xứ sầm uất
nhất giáo phận Bắc Ninh. Cùng với làn sóng di cư vào Nam năm 1954,
quá nửa số giáo dân Thiết Nham đã di cư vào Miền Nam. Tuy nhiên, số
giáo dân còn lại vẫn giữ vững được niềm tin, cho dù trải qua bao
gian nan thử thách. Khác với nhiều giáo xứ ở Miền Bắc, giáo xứ Thiết
Nham vẫn giữ được gần như trọn vẹn đất đai nhà thờ.
Trải qua nhiều năm không có cha xứ trực tiếp coi sóc, cùng với
ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, cho nên đời sống đức tin của
giáo dân Thiết Nham phần nào bị ảnh hưởng.
Nói đến giáo xứ Thiết Nham, phải nhắc đến ngôi thánh đường gần
100 tuổi, nhưng vẫn là một trong những ngôi nhà thờ lớn nhất giáo
phận Bắc Ninh hiện nay. Nhà thờ trăm tuổi này đã bị xuống cấp nhiều
do chiến tranh và thời tiết khắc nhiệt. Tuy nhiên, ngôi thánh đường
này mới được tu sửa lại do lòng hảo tâm và đóng góp của con cái
Thiết Nham ở Miền Nam và Hải Ngoại.
Nguồn :
ĐGM Bắc Ninh thăm mục vụ và ban bí tích Thêm Sức tại giáo xứ Thiết
Nham (13/8/2011)
.................

Đức
Giám Mục Bắc Ninh thăm mục vụ
Giáo xứ Thiết Nham
húa
nhật, ngày 07.11.2010, Đức giám mục Giáo Phận Bắc Ninh Cosma
Hoàng Văn Đạt đã về Giáo xứ Thiết Nham, Giáo Phận Bắc Ninh
dâng thánh lễ nhân dịp Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam 2010.
Hiệp dâng thánh lễ có cha quản xứ Thiết Nham Giuse Bùi Xuân
Bính, cha quản hạt Bắc Giang Giuse Nguyễn Huy Tảo, cha quản
xứ Bỉ Nội Giuse Hoàng Trọng Hựu, cha quản xứ Tân An Đaminh
Bùi Văn Sáu, cha Đaminh Nguyễn Văn Bích, cha Phanxicô Xaviê
Nguyễn Văn Thắng và thày Phó tế Giuse Nguyễn Văn Tĩnh cùng
đông đảo bà con trong giáo xứ Thiết Nham.
Điều
đặc biệt trong thánh lễ, Đức Cha Giáo Phận giới thiệu hai
vị thánh đã đến ở Giáo xứ Thiết Nham, đó là Thánh Giuse
Đặng Đình Viên và Thánh Almatô Bình Tử Đạo. Có thể nói:
Giáo xứ Thiết Nham vô cùng tự hào vì nơi đây đã có hai vị
thánh, và như cha Quan Hạt Bắc Giang chia sẻ sau thánh lễ:
Thiết Nham là “đất thánh”.
Chúng ta tri ân các bậc Tiền Nhân đã hy sinh đến phục vụ
Giáo xứ. Và theo ước nguyện của Đức Cha, ngày nào đó
chúng ta phải dựng tượng các Thánh để nhớ các ngài.
Sau đây
là tiểu sử của hai vị thánh được Đức Cha Cosma Hoàng Văn
Đạt biên soạn:
Thánh
Giuse Đặng Đình Viên
Linh
mục (1785-1838)
Trong
một trường hợp không ngờ, ngày 17.4.1838, thầy giảng Vũ Văn Lân cầm
6 lá thư bị bắt. Thầy giảng này do cha Giuse Đặng Đình Viên nhờ đi
lấy dầu thánh, nhân tiện chuyển thư cha 2 đức cha và 4 cha. Khi thầy
đi qua làng Kẻ Rèm (họ Bơm hay An Lập)
thì bị bắt. Người lương làng Kẻ Rèm không ưa đạo vì người Công Giáo
không đóng góp vào việc cúng tế, nên nộp thầy cùng với 6 lá thư cho
quan. Thế là cuộc tử đạo của cha Giuse Đặng Đình Viên khởi đầu.
Thánh Giuse Đặng Đình Viên sinh năm 1785 tại Tiên Chu,
tỉnh Hưng Yên. Mồ côi cha rừ nhỏ, ngài theo giúp các thừa sai rồi
được nhận vào chủng viện. Ngài thụ phong linh mục năm 1821 và được
cử làm cha phó xứ Lục Thủy, tỉnh Nam Định.
Hai năm sau, ngài được sai lên tỉnh Bắc,
giúp các họ Đông Bài,
Thiết Nham,
Như Thiết
và An Mỹ.
Suốt 17 năm thi hành sứ vụ linh mục, ngài nổi tiếng là một mục tử
đạo đức, siêng năng giảng Lời Chúa, và được mọi người quý mến.
Sau khi
bắt được thầy giảng cầm 6 lá thư, quan tuần phủ Hưng Yên là Hà
Thúc Lương định giấu nhẹm đi, nhưng quan tổng đốc Nam Định là
Trịnh Quang Khanh lại đem vào Huế khoe với vua Minh Mệnh. Vua
liền thịnh nộ cho rằng quan lại phía bắc bao che cho tà đạo và dọa
truất chức tổng đốc của Trịnh Quang Khanh nếu không bắt được tác giả
cũng như 6 người lẽ ra sẽ nhận thư. Tuần phủ Hưng Yên được lệnh bằng
mọi giá phải bắt được cha Viên, nếu không phải chịu tội thay. Một
chiến dịch bách hại đẫm máu diễn ra tại Nam Định và Hưng Yên. Hai
đức cha Delgado Y và Henares Minh cùng với cha chính Hiền giáo phận
Đông Đàng Ngoài và nhiều linh mục khác bị bắt và bị giết. Ấy là chưa
kể những tổn thất về cơ sở và việc xáo trộn mọi sinh họat đạo ở cả
một vùng rộng lớn, đông giáo dân nhất trong cả nước.
Tại Hưng
Yên, quan quân sục sạo khắp nơi mà vẫn không tìm được tác giả các lá
thư. Các quan phải dùng mưu: họ giả mạo thư của gia đình cha Viên và
mua chuộc được 2 người Công Giáo trong họ hàng của ngài. Hai người
này cầm thư đi tìm người chỉ chỗ ngài trốn. Ngày 1.8.1838, khi biết
chắc ngài đang ở Cầu Chay, tức họ Như Thiết, quan cho lính
đến vây bắt, nhưng ngài kịp chạy trốn vào khu vườn mía rậm rạp. Éo
le thay, quan quân tức giận vì bứt hụt, nên lại dùng mưu bắt ngay
đứa con trai nhỏ của chủ nhà đang cho ngài trú ẩn ra tra khảo. Đứa
bé đau quá, kêu lớn: “Giêsu, Maria, cứu con với!” Nghe tiếng
kêu la đau đớn từ miệng trẻ thơ, ngài xúc động và bước ra nộp mình:
“Tôi là đạo trưởng Viên các anh đang tìm bắt đây.” Ngài bị
đóng gông dẫn giải về thị xã Hưng Yên.
Tại Hưng
Yên, các quan bắt ngài phiên dịch các lá thư ngài đã viết ra tiếng
Việt. Đến khi thấy các lá thư ấy không có gì là bí mật hay âm mưu
nào, họ khuyên ngài chối đạo để được tha. Ngài cương quyết trả lời:
“Dù có phải chết tôi cũng không quá khoá. Tôi là đạo trưởng mà bỏ
đạo thì còn ai theo đạo nữa!” Nghày 3.8, các quan gửi án về kinh
đô Huế xin vua ra lệnh xử trảm. Ngày 21.8, bản án được châu phê và
về đến Hưng Yên. Các quan cố thuyết phục ngài lần chót nhưng vô hiệu,
nên tuyên đọc bản án và đem thi hành ngay. Thẻ bài ghi bản án như
sau: “Đạo trưởng Đặng Đình Viên tùng gian tà đạo, liên lạc đạo
trưởng Tây Nam, tụ tập đạo đồ, đạo chúng, đạo thư, bất khẳng khoá
quá, vi phạm quốc pháp, luật hình trảm quyết.”
Trên
đường ra pháp trường Ba Toà, cha Viên sung sướng cảm động tạ ơn Chúa.
Khi đó hai người họ hàng đã dẫn quan quân đi bắt ngài đến xin ngài
tha thứ, ngài nói: “Cha tha cho các con.” Sau khi ăn chút cơm,
ngài quỳ trên chiếc chăn bông được giáo dân trải sẵn, ngước mắt lên
trời cầu nguyện. Khi lệnh được ban, lý hình vung gươm đưa vị chứng
nhân Đức Kitô lên đài vinh quang. Các tín hữu ùa vào thấm máu ngài.
Một người lính thấy vậy thì lấy áo của ngài cắt ra để bán. Thi hài
ngài được khoảng 300 giáo dân long trọng rước về an táng tại nhà thờ
Tiên Chu.
Cha
Giuse Đặng Đình Viên được ghi tên vào số các chân phước năm 1900 và
được dtc Gioan Phaolô II tuyên thánh năm 1988.
2
Thánh Phêrô ALMATÔ
BÌNH
Linh mục dòng Đaminh
(1831 – 1861)
Xâu chuỗi và thanh gươm
Chân dung của
thánh Almatô Bình được phác họa dưới hình một tu sĩ Đaminh có vầng
trán rộng của sự thông minh, với bộ râu của người nghị lực. Cặp mắt
ngài đăm đăm nhìn xuống đôi tay: tay phải cầm ngành lá vạn tuế, một
chuỗi Mân Côi và một thanh đao to bản, tay trái khẽ nâng cao mũi dao,
với ngón tay cái đang chạm vào lưỡi, như muốn thử nó sắc cỡ nào,
trên môi hé nở một nụ cười.
Bức chân dung ấy nói lên hai đặc điểm
của vị thánh : Tín nhiệm vào Đức Maria và suốt đời trân trọng phúc
tử đạo, không đâm đầu tìm cái chết, nhưng vui tươi đón nhận nó.
Nụ hoa kết trái
Phêrô Almatô chào đời vào lễ Các Thánh
01.11.1831 tại làng Santo Felice Saserra, xứ Vich, miền Cataluna
nước Tây Ban Nha. Thân phụ ngài là ông Salvio Almato làm nghề y sĩ
và thân mẫu là bà Antinia. Ngài có một người bác là linh mục kinh sĩ
phụ trách giải tội cho khắp giáo phận và người em gái sau cũng đi tu.
Từ thơ ấu, ngài đã có những dấu hiệu hâm mộ đời tu trì. Khi ngồi một
mình, ngài thích xếp hình các nhà thờ hoặc bắt chước các linh mục
dâng lễ. Thỉnh thoảng ngài tập họp các trẻ nhỏ tuổi hơn để cùng lần
hạt Mân Côi, hoặc kể chuyện giáo lý cho chúng nghe.
Năm 15 tuổi, gia đình cho ngài vào
chủng viện. Tại đây, ngài có cơ hội đọc các bản tin về truyền giáo
của tỉnh dòng Đaminh Mân Côi tại Viễn Đông. Từ đó, khát vọng truyền
giáo luôn sục sôi trong lòng ngài. Khi được Đức Giám mục Claret
khuyến khích, ngài quyết định giã từ bạn bè và gia đình để đến Ocana
xin vào dòng Đaminh. Sau thời gian thử thách, ngày 25.09.1847, ngài
được lãnh tu phục vào tập viện, và ngày 26.09.1848, ngài tuyên khấn.
Tháng 09.1849, thầy Almato đến Manila
tiếp tục học thần học. Ngoài những giờ miệt mài học tập, ngài thích
tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng. Năm 1854,
ngài thụ phong linh mục và năm sau được phái đến phục vụ tại Việt
Nam. Ngày 04.08.1855, cha Almato đến giáo phận Đông Đàng Ngoài.
Khó khăn và nghị lực
Khi mới đến Việt Nam, cha Almato nhận
tên là Bình, ở Nam Am và Đông Xuyên. Sau đó ngài về chủng viện Kẻ
Mốt để học tiếng Việt với cha Gaspar Nghĩa, rồi được cử đi phụ trách
xứ Thiết Nham hơn một năm. Tình trạng sức khỏe của cha Almato Bình
thật yếu kém, ngài bị bệnh thường xuyên. Nhưng bên trong thân xác
yếu đuối đó là một khối nghị lực tưởng chừng như vô tận, đủ sức đưa
ngài vượt mọi khó khăn thử thách của môi trường truyền giáo.
Từ năm 1857,
cuộc bách hại ngày càng khốc liệt, cha Bình bó buộc phải nay đây mai
đó, ít khi được yên ổn. Ban ngày thì phải trốn trong hầm ẩm thấp,
ban đêm mới ra ngoài, đi thuyền lẻn đến phục vụ giáo hữu hai bên
sông. Những hôm nào bị bao vây bất ngờ, ngài phải ngủ trong bụi rậm,
bụi tre hoặc phải băng sông lội suối dưới trời mưa lạnh giá. Bệnh
hoạn, đói rách và nguy cơ bị bắt, như ba tai họa thường xuyên đe doạ
ngài, nhưng vị tông đồ của Chúa đã thắng vượt được tất cả nhờ chí
khí can trường và tinh thần hăng say của tuổi trẻ. Khi tình hình cấm
đạo trở lên gay gắt hơn, các thừa sai Đaminh quyết định chia một nửa
tạm lánh sang Macao, ngài tình nguyện xin ở lại Việt Nam.
Trong một thư gửi cho gia đình, ngài
viết : "Con và một linh mục nữa đã ẩn mình bảy, tám tháng nay
trong một nhà có sẵn hang ở dưới lòng đất để núp khi quan quân vây
bắt. Nhưng nay mai nếu cha mẹ có nghe tin con bị bắt thì xin cha mẹ
đừng khóc làm chi. Hãy vui mừng vì con được phúc trọng dường ấy".
Từ tháng 08.1861, dưới ảnh hưởng của
chiếu chỉ phân sáp, hàng giáo sĩ dường như không thể tìm được
chỗ nào an toàn để ẩn náu. Cha Almato Bình trước đã rời Thiết Nham
sang Kẻ Nê rồi ẩn nấp ở Thọ Ninh, nay lại xuống thuyền đi với Đức
cha Valentino Vinh xuôi theo dòng sông Thái Bình. Đến Hải Dương, hai
vị gặp Đức cha Hermosilla Liêm và thầy giảng Giuse Khang. Ngày
20.10.1861, khi Đức cha Liêm và thầy giảng Giuse Khang bị bắt, thì
cha Bình và Đức cha Vinh cũng đang ở trên một thuyền khác, nhưng may
mắn đã chạy thoát được.
Sau biến cố đó, hai vị thấy trốn trên
thuyền không yên ổn nữa, nên khi một giáo hữu là ông Cựu Trọng giới
thiệu hai vị tới trọ tại nhà một người ngoại giáo là ông lang Thửa,
hai vị đã đến đó và được tiếp đón niềm nở. Tuy nhiên người cháu của
ông lang là Khán Cáp, khi biết tin này, liền báo với quan để lãnh
thưởng. Để khỏi mang tiếng xấu, anh ta mời các vị thừa sai đi ẩn chỗ
khác, rồi dẫn hai vị ra đồng ruộng cho quan huyện Thanh Hà đến bắt.
Hôm đó là ngày 25.10.1861.
Phúc trường sinh
Quan Tổng đốc Hải Dương là Nguyễn Quốc
Cẩm thấy các giáo sĩ Tây có dáng vẻ hiền lành nên không đành tâm đối
xử tàn nhẫn. Ông chỉ điều tra qua loa về tên tuổi và việc giảng đạo.
Cha Bình trả lời: "Tôi là đạo trưởng, tên là Bình, người Y Pha
Nho, sang An Nam giảng đạo được bảy năm tại nhiều nơi". Nhưng
cha không nói rõ địa điểm nào cả.
Tuy quan tổng đốc Hải Dương cho giam
mỗi vị vào một cũi, nhưng ông ra lệnh cho viên cai ngục phải đối xử
tử tế và nghiêm cấm ăn nói lỗ mãng. Thái độ "nương tay" trên đã được
đồn đại đến tai tổng đốc Nam Định là Nguyễn Đình Tân. Ông ny đích
thân ra Hải Dương và dùng quyền ép viên tổng đốc ở đây phải lên án
trảm quyết.
Ngày 01.11.1861, cha Almato Bình tròn
30 tuổi, lại chính là ngày sinh nhật trên trời của ngài. Hôm ấy, hai
vị Giám mục Hermosilla Liêm và Berrio Ochoa Vinh và cha Amato Bình
mỗi vị bị nhốt trong một cái cũi và được khiêng ra pháp trường, theo
sau một toán lính đông đảo. Cha Bình trong cũi đầu tiên, tay cầm
chuỗi Mân Côi bình thản cầu nguyện khiến mọi người hiện diện phải bỡ
ngỡ. Tại pháp trường Năm Mẫu, sau ít phút cầu nguyện, lý hình đã
chém đầu các ngài trong tiếng chiêng đổ dồn. Thi thể ba vị được chôn
cất ngay tại nơi xử án, sau dời về Thọ Ninh. Hiện nay, thủ cấp cha
Almato Bình được tôn kính ở quê hương Tây Ban Nha, còn hài cốt của
cha được an táng trong thánh đường kính bốn thánh tử đạo Hải Dương.
Ngày 20.05.1906, Đức Piô X đã suy tôn
cha Phêrô Almato Bìnhlên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan
Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh.
Sông Thương
|
|