
Lược
sử Giáo xứ Mang La

Nhà thờ Măng La
I.
GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH
Làng
Măng La hay Tơ Bâu ngay từ thời kỳ đầu truyền giáo đã in dấu chân
của các vị Thừa sai. Thầy Sáu Do, Cha Combes (Bê) và Cha Dourisboure
(Ân) khi xuôi dòng Đăk Bla đi thị sát dọc theo đồng bằng Rơngao, đã
gặp ông Piunh chủ làng Tơbâu và được ông dẫn đường mời đến nhà ông.
Trên đường đi, các ngài gặp hai mẹ con nhà cọp, may là chúng chỉ
nhìn các ngài hồi lâu rồi rẽ lối đi vào rừng.
Khi
gần đến làng, các ngài gặp một pho tượng kỳ lạ, hình tượng người đàn
ông được đúc bằng kim loại rất mỹ thuật, chung quanh pho tượng có
rào cây chắc chắn, khiến các ngài nghĩ rằng có lẽ xưa kia trong vùng
này từng đã có sắc dân khác đặt chân đến như người Chàm chẳng hạn!
Đến làng, ông Piunh đón các Thừa sai vào nhà và tiếp đãi khá tử tế.
Ông còn tình nguyện chèo sõng (thuyền độc mộc) đưa các Thừa sai đến
Plei Kroong, một làng khá lớn nằm ở ngã ba sông Đăk Bla và sông Pô
Kô. Sau này, dù biết Tơ Bâu là một làng cá biệt, bao gồm dân tứ
chiếng, nhiều tay anh chị cộm cán, nhưng Thầy Sáu Do vẫn kết nghĩa
anh em với ông Piunh và các Thừa sai đã dần dần cảm hóa dân làng (x.
P. Dourisboure, DÂN LÀNG HỒ,
TGM Kon Tum, NXB Đà Nẵng 2018,
tr. 87-90).
Năm
1893, làng Măng La (hoặc Tơ Bâu) tòng giáo, được Cha Phêrô Irigoyen
(Hương) coi sóc, trực thuộc địa sở Kon Hngo - Phương Quí; sau đó
được giao lại cho Cha Pascal Jary năm 1895; có một thời gian sáp
nhập địa sở Plei Jơdrâp, sau đó thuộc trở lại Phương Quí (1904) (x.
Echos de la Mission, Địa phận Kontum, tháng 12/1947 - 01/1948, tr.
7-8)
Năm
1948, dưới thời Cha Tađêô Lê Văn Nhạn chính xứ Phương Quí (1944-
1951), họ Măng La có 154 tín hữu; có 21 học viên Trường Yao Phu
Cuénot (x. État du Vicariat apostolique de Kontum, 15/8/1949, tr.
5).
II.
GIAI ĐOẠN CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN
Trãi
qua giai đoạn sống đức tin và phát triển dưới sự hướng dẫn của các
Cha phụ trách Phương Quí. Đến ngày 06/08/1972, Giáo xứ Măng La được
thành lập tách ra khỏi địa sở Phương Quí với Cha Phaolô Nguyễn Đức
Hữu là cha sở tiên khởi (ngài ở Phương Quí đặc trách Măng La). Nhà
thờ của giáo xứ là một ngôi nhà đơn sơ, theo kiểu nhà sàn dân tộc.
Giai
đoạn sau 1975 đầy cam go thử thách. Cha Phaolô Nguyễn Đức Hữu đã
đồng hành cùng giáo xứ, nhưng ngài chỉ ở Tòa Giám Mục.
Năm
1995, giáo xứ Măng La bao gồm 5 họ đạo, tổng số 3.500 giáo dân (sắc
tộc Bahnar,Halâng...) (x. Thống kê năm 1995, TGM Kon Tum).
Cha sở và giáo xứ đã tiến hành xây
dựng ngôi nhà thờ mới, đặt viên đá đầu tiên ngày 11/02/1999 và làm
phép khánh thành vào ngày 20/10/2000 (trong Năm Thánh 2000). Diện
tích nhà thờ 480 m2, được xây theo mô-típ kiểu nhà Rông Tây Nguyên.
Trên tường vách mặt tiền trang trí nhiều họa tiết theo văn hóa người
sắc tộc, khảm những mảnh ghè, ché nhiều màu sắc mô tả đời sống sinh
hoạt và tôn giáo người sắc tộc bản địa nơi đây.
Nhà
xứ, cổng nhà thờ và khuôn viên chung quanh được cấu trúc hài hòa với
nhà thờ, tạo tổng thể mang đậm sắc thái Tây Nguyên.
Từ
đây, Cha xứ ở tại chỗ để chăm lo mục vụ cho cộng đoàn. Năm 2004, Đức
Giám Mục bổ nhiệm Cha Gioan Nguyễn Đức Trường làm chính xứ Măng La.
Năm 2009, có Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, phó xứ (01- 10/2009); và Cha
Tađêô Nguyễn Ái Quốc, phó xứ (30/10/2009).
Năm
2009, giáo xứ có 27 làng (gồm cả Rơ Kơi, Plei Kleng, Plei Kơbei và
Plei Kroong), với khoảng 10.000 giáo dân (Theo Lm Phêrô Nguyễn Văn
Hiền, nguyên phó xứ).
Năm
2010, cha Vinh Sơn Nguyễn Ngọc Quyền được bổ nhiệm phụ trách giáo xứ.
Ngày
14.10.2013, Linh mục Phêrô Trần Đình Lộc được bổ nhiệm chính xứ thay
Cha Quyền. Đến cuối năm 2014, giáo xứ có 7.554 giáo dân, trong đó
Thượng: 7.295 giáo dân và Kinh: 259 giáo dân; 43 Chú Yao Phu, 47
chức việc (x. Báo cáo Tòa Thánh đến hết năm 2014, Lm Phêrô Trần Đình
Lộc).
III.
HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI
Ngày
16/07/2016, Thánh Lễ nhậm chức quản xứ mới tại Gx. Măng La - Gp.
Kontum: Cha Tađêô Nguyễn Ái Quốc thay Cha Phêrô Trần Đình Lộc. Giáo
xứ tiếp tục được củng cố và phát triển nhờ sự cộng tác nhiệt thành
của đội ngũ các Chú Yao Phu với cha sở. Măng La có truyền thống cho
con cháu ăn học và đi tu đông đảo.
Hiện
nay, Giáo xứ Măng La có tổng số giáo dân là 8.379 người. Trong đó
Cộng đoàn người Thượng: 8.143 giáo dân; Cộng đoàn người Kinh: 236
giáo dân (số liệu năm 2020). Cha Phêrô Vũ Trọng Hà Nguyên Khôi phó
xứ, đặc trách giáo họ Kroong.
Nhà
thờ Măng La, xã Ngọc Bay, Thành phố Kon Tum là một công trình kiến
trúc mang đậm nét Tây Nguyên, cộng đồng dân cư còn lưu giữ những
sinh hoạt truyền thống của đồng bào bản địa.






Chi tiết bổ sung xin gởi về
giaoxugiaohovietnam@Yahoo.com

|