Giáo phận Nha Trang

Nhà thờ Giáo xứ Bình Chính

 

Nhà thờ Giáo xứ Bình Chính
Giáo hạt Ninh Thuận

 

Địa chỉ : thôn Tân An, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận  ( Bản đồ )

Chánh xứ : Linh mục Antôn Nguyễn Thanh Lâm (2/3/2014)
Phó xứ    : Linh Mục Đôminicô Nguyễn Văn Nhứt

Tel

 068-387-3368

E-mail

 

Năm thành lập

 01-1924

Bổn Mạng

Thánh Phêrô-Phaolô  (29/6)

Số giáo dân

 2400

Giờ lễ

Chúa nhật     :  4:30   -   16:30

Ngày thường :  4:30   -   16:30

Giờ lễ có thể thay đổi theo mùa hay mục vụ của Gx. Xin xác nhận trước  khi đi lễ

Các nhà thờ lân cận :  

-  Tin tức sinh hoạt

Tư liệu :  Lược sử Giáo xứ - Hình ảnh Giáo xứ 

* Giáo xứ Bình Chính: Thành lập Gia đình Khôi Bình (20/06/2014)
* Giáo xứ Bình Chính: Thành lập Thiếu nhi Thánh Thể (20/06/2014)
* Giáo xứ Bình Chính khai mạc Thánh Hoa kính Mẹ Maria (5/2014)
*
Giáo xứ Bình Chính mừng lễ Quan Thầy (1/7/2010) - Hình ảnh
*
Hội Chợ Tết Giáo Xứ Bình Chính  -  Hình ảnh
* Giáo Xứ Bình Chính kiệu - dâng Hoa đầu tháng Đức Mẹ
* Tin tức GX Bình Chính trên Diễn Đàn Giáo Phận Nha Trang

< Đọc tiếp tin tức liên quan >

 

Lược sử Giáo xứ Bình Chính

< Xem thêm : "Lễ Khánh thành nhà thờ Giáo xứ Bình Chính" >

và  [ Giáo xứ Bình Chính: Hình Thành và Phát Triển ]

1. Vị trí địa lý

Ðông giáp đồng muối Ðầm Vua và xã Nhơn hải. Tây giáp thôn Văn sơn và thôn Bình sơn thuộc xã Văn hải. Bắc giáp Ðầm Nại. Nam giáp biển.

Ðịa hình nằm ven biển, tựa lưng vào núi, đất cát pha san hô. Khí hậu khô và nóng.

2. Hình thành và phát triển

Giáo xứ Bình Chính, Hạt Ninh thuận, ở cách tỉnh lỵ Phan rang 7 km, về phía Ðông bắc. Số giáo dân 1970 (năm 1997) người, quy tụ trong thôn hành chánh Tân an sống chen chúc dọc theo sông đầm Tri thuỷ, trong diện tích 1 km2. Bình Chính đã đi vào lịch sử gần 100 năm.

Sở dĩ gọi Bình Chính, là để nhắc nhở con cháu nhớ mãi gốc Tổ của mình là người hạt Bình Chính (Bắc Quảng Bình, địa phận Vinh). Khoảng 1885-1886. Văn Thân bắt đạo dữ dằn, một số giáo dân hạt Bình Chính, làm nghề biển, dùng thuyền tị nạn vào đây. Các linh mục xứ Dinh Thuỷ đón nhận số con chiên ngoan đạo này định cư lại thành làng lấy tên là Tân An, và lấy họ đạo giữ nguyên tên Bình Chính.

Khi hết bắt đạo, bà con Bình Chính ngoài "nở" trong "ni" đi lại thăm nhau. Vào đây, thấy:

"Tân an đất tốt nhiều nghề,
Trước sông, sau núi, tứ bề đất đai,
Ban ngày chắp bả, xe gai,
Tối về đan lưới, sáng mai có tiền"

Bà con ngoài "nở" ở lại trong này càng ngày càng đông.

Các linh mục Thừa sai, chánh xứ Dinh Thuỷ, như cố Ðề, cố Sáng, cố Lợi, cố Châu, cũng như các linh mục phó người Việt như linh mục Ẩn, linh mục Nho, linh mục Ban, linh mục Tới, linh mục Bính, linh mục Sơn, linh mục Mười, linh mục Long, đã lo cho họ Bình Chính trưởng thành về các cơ sở cần thiết.

Tháng 1.1924, Ðức Giám Mục Qui nhơn đã cất nhắc họ lẽ Bình Chính lên hàng giáo xứ. Linh mục Ban được cử làm linh mục quản xứ tiên khởi. Nhưng sau 3 năm, ngài đổi đi, và vì thiếu linh mục, Bình Chính lại là họ lẻ. Thời kỳ này, linh mục phó Bính đã có công cổ động giáo dân Bình Chính góp tiền mua được chuông lớn nhà thờ, sớm chiều điểm giờ Phụng vụ.

Năm 1939, Bình Chính lại được đón rước linh mục Tuần về làm chánh xứ. Ngài coi xứ được 13 năm rồi qua đời, an nghỉ tại nghĩa địa xứ. Hình ảnh linh mục Tuần sống mãi trong lòng giáo dân Bình Chính vì sinh thời ngài dùng tài ngoại giao để cứu Bình Chính khỏi cảnh bắt bớ, chém giết của thời Việt-Minh cướp chính quyền trong cuộc chiến tranh Việt-Pháp.

Linh mục Long tiếp coi Bình Chính từ 1952 đến 1955. Ngài đã xây nhà thờ, nhà trường và nhà vuông, tốt đẹp vững chắc như hiện nay, sau linh mục Long là linh mục Hườn. (1955-1957), linh mục Nghiêm (1957-1961) rồi linh mục Nguyễn Trọng Báu.

"Tân an, khí tốt, người hiền.
Giáo dân, cha sở gắn liền keo sơn."

Linh mục Báu về nhiệm sở Bình Chính giữa năm 1961 đúng lúc cả thế giới công giáo đang nô nức chuẩn bị Công-Ðồng Chung Vatican II và ngài đã sớm gây được uy tín lớn ở mọi cấp, mọi giới, trong và ngoài công giáo. Một luồng sinh khí mới của Công-Ðồng Vatican II đã được thổi mạnh vào Bình Chính, ảnh hưởng đến các vùng phụ cận và cả tỉnh Ninh Thuận.

Linh mục quản xứ gấp rút kiện toàn các đoàn thể công giáo tiến hành, mở các tuần cấm phòng cho các giới, tổ chức đại hội Thánh thể. Ðại hội Thánh mẫu, xây thánh đài Ðức mẹ trên đồi, thường xuyên giảng dạy tài liệu Công đồng gây ý thức sống đạo ở mọi môi trường kinh tế, văn hoá, xã hội.

Bình Chính được cổ võ cơ giơi hoá ngư nghiệp. Cải tiến nghề nước mắm, nghề chăn nuôi, nghề làm ruộng muối, để tránh tình trạng "nhàn cư vi bất thiện" và để tăng triển kinh tế gia đình.

Về xã hội, linh mục quản xứ đã giúp chính quyền bài trừ tệ đoan, can thiệp để cứu bao người có thể bị hàm oan và tranh đấu để chính quyền chấp thuận ngân khoản kiến thiết cầu Sông Ðầm, nối tiếp Dư khánh với Tân an. Góp của góp sức vào viêc xây đê vàđắp đường xa lộ, biến Tân an thành nơi du lịch lý tưởng.

Về giáo dục, ngài đã nâng cao trình độ văn hoá giới trẻ một cách vượt mức, nuôi dưỡng bao nhiêu ơn gọi tu sĩ nam nữ ở địa phương.

Các linh mục phụ trách giáo xứ từ ngày thành lập đến nay:

Lm F.x Ban 1.1924-1.1929
Lm Le Darrée 1929-1939
Lm Phaolô Nguyễn Tuần 8.1939-8.1952
Lm Augustinô Nguyễn Thanh Long 9.1952-3.1955
Lm Tôma Nguyễn Hườn 3.1955-9.1957
Lm Gioan Vũ Văn Nghiêm 10.1957-5.1961
Lm Giuse Nguyễn Trọng Báu 5.1961-12.1971
Lm Giuse Nguyễn Thăng Long 1.1972-7.1974
Lm Antôn Vũ Ngọc Ðăng 9.1974-12.1974
Lm Phaolô Ðậu Vương Quyền 3.1975-1.1977
Lm Giuse Ðinh Tường Huấn 2.1977-5.1990
Lm Giuse Nguyễn Thường 5.1990-4.1992
Lm Inhaxiô Trần Ngà 5.1992 - 2005
Lm Giuse Lê Thiện Vang từ 26/10/05 - nay

Hoa quả ơn gọi của giáo xứ

Linh mục Giuse Nguyễn Thường
Nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Sắc dòng MTG Nha Trang

Sinh hoạt giáo xứ

1. Các lớp giáo lý

Các lớp giáo lý phổ thông được tiến hành quanh năm (mỗi năm nghỉ hè một tháng).

Lớp đào tạo giáo lý viên mỗi tuần một lần.

Giáo lý hôn nhân: Thành phần tham dự thuộc diện ít học, ít biết chữ, nên chỉ phải học: Giáo lý sơ lược (cho đến khi thuộc); những bài vè dạy con (học thuộc lòng); mười tiết học về bổn phận cha mẹ và giáo lý hôn nhân.

2. Các hoạt động:

Có lập hội khuyến học từ năm 1994 nhằm giúp cho các học sinh nghèo có điều kiện đi học và phát thưởng cho các học sinh giỏi. Có một tủ sách cho các em thiếu nhi mượn đọc.

Hướng tương lai

Giáo xứ muốn thu nhận trẻ em lương dân đến học trường mẫu giáo của mình để tạo một quan hệ tốt, ao ước gây một ảnh hưởng tốt. Lương dân tín nhiệm vào sự giáo dục của các nữ tu và có thiện cảm với tổ chức giáo dục của giáo xứ.

Ước mơ truyền giáo: Mở trường tư thục miễn phí để phục vụ cho bà con lương dân; bằng tình bạn chân thành giữa người giáo dân trong xứ với Lương dân chung quanh.

Ưu tiên của giáo xứ nâng cao học vấn. Ðào tạo cho thiếu nhi thấm nhuần Tin Mừng. Ðào tạo nhân sự phục vụ giáo xứ. Tạo công ăn việc làm.

Ước mong cho tương lai xây dựng trường tư thục cấp II miễn phí để phục vụ học sinh trong xã, cả lương lẫn Công giáo.

Ðẩy mạnh việc học Tin Mừng trong giới thanh thiếu niên.

Suy tư từ hội nghị các Giám mục Á Châu: Mẹ Têrêxa Calcutta đã nêu ra một mô hình truyền giáo lý tưởng cho các dân tộc Á châu: " Ta đến để họ được sống dồi dào hơn".

Bằng đường hướng phục vụ khiêm tốn của mình, Mẹ Têrêxa đã làm cho mọi tôn giáo có mặt trên đất Ấn độ phải yêu mến Mẹ, cảm phục Mẹ, có rất nhiều thiện cảm với Mẹ và cầu nguyện cho Mẹ nữa.

Nguồn : Trang Web Giáo Phận Nha Trang

..............................

Giáo xứ Bình Chính: Hình Thành và Phát Triển

I. Tên giáo xứ: Bình Chính

1. Vị trí địa lý:

Đông giáp: Đồng muối Đầm Vua và xã Nhơn hải. Tây: Thôn Văn Sơn thuộc xã Văn Hải (G.x Tân Hội). Nam: Biển (G.x Tân Xuân). Bắc: Đầm Nại.

2. Phạm vi Giáo Xứ:

Trải dài trên 30 km2, gồm nhiều xã thuộc huyện Ninh Hải (khánh hải, phương hải, tri hải, nhơn hải, vĩnh hải…..).Trung tâm giáo xứ thuộc thôn Tân An, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, Tỉnh Ninh Thuận, dọc theo tỉnh lộ 702.

II. Lịch sử hình thành và phát triển giáo xứ

1. Lịch sử hình thành và phát triển:

Theo truyền tụng thì vào thời Văn Thân (1884 – 1887) nổi lên một cuộc bắt đạo tại các làng Công Giáo ở các tỉnh phía Bắc; năm 1885 một linh mục dẫn khoảng 20 gia đình Công Giáo vào Nam lánh nạn tại vịnh Đầm Nại, dưới chân Núi Đình, nay thuộc giáo xứ Bình Chính, thôn Tân An, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận ( sở dĩ gọi là Giáo xứ Bình Chính là ông bà có ý để nhắc nhở con cháu sau này nhớ về quê Cha, đất Tổ mình là người hạt Bình Chính (Bắc Quãng Bình, giáo phận Vinh)).

Xóm đạo Bính Chính lúc bấy giờ là họ nhánh của Giáo xứ Dinh Thủy (Tấn Tài). Đến tháng Giêng năm 1924, giáo họ Bình Chính được vinh dự đón rước Cha sở tiên khởi là linh mục phanxico Ban và được Đức Giám mục Qui Nhơn cất nhắc lên hàng Giáo xứ. Năm 1929, Cha Ban dời nhiệm sở, các Cha Dinh Thủy phải kiêm nhiệm thêm họ đạo xa xôi hẻo lánh này.

Năm 1930, Cha phêrô Bính, phó xứ Dinh Thủy đã quyên góp nơi bà con được 300 nghìn đồng và nhờ Cố Châu ( Pierre Le Darré) về Pháp đúc một quả chuông đồng với dòng chữ “La Paroisse de Bình Chính en honneur de Saint Pierre, 1933” (giáo xứ Bình Chính kính dâng Thánh Phêrô bổn mạng, 1933). Từ đó, đêm ngày tiếng chuông ngân vang kêu gọi mọi người đến nhà Chúa.

Tháng 8/1939, Cha Phaolô Nguyễn Tuần nhậm chức quản xứ, Ngài cống hiến sức mình chăm lo cho đời sống vật chất cũng như tinh thần cho bà con trong giáo xứ. Ngài qua đời vào 3/12/1952, và phần mộ của Ngài nằm ở trung tâm nghĩa trang xứ.

Với bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa Ngài đã ban cho giáo xứ một cha sở mới tài năng, thánh thiện vào tháng 9/ 1952 là Cha Augustino Nguyễn Thanh Long; Ngài mau mắn xúc tiến việc xây dựng nhà thờ, ngày 29/6/1954 đã thánh hiến cho thánh bổn mạng phêrô. Cha Long đã xây nhà xứ và trường tiểu học cho các con em trong giáo xứ.

Tiếp theo nhiệm sở là Cha Tôma Nguyễn Ngọc Hườn (1956-1957); Cha Vũ Văn Nghiêm (1957-1961).

Cha Giuse Nguyễn Trọng Báu (1961-1971) đã mở mang và hoàn chỉnh trường tiểu học với sự giúp đỡ của quý sơ dòng Mến Thánh Giá Tân Bình; Ngài xây dựng Đồi Đức Mẹ trên Núi Lăng Bà, kiện toàn các đoàn thể, tổ chức các Tuần Đại Phúc, xin phép mở đoạn đường nối các thôn và kéo điện phục vụ cho sinh hoạt của bà con trong giáo xứ.

Nhiệm kỳ quản xứ của các Cha Giuse Nguyễn Thăng Long (1972-1974), Cha Antôn Vũ Ngọc Đăng (9-12/1974), Cha Phaolô Đậu Vương Quyền (1975-1976) tuy thật ngắn ngủi , nhưng hình ảnh vị chủ chăn nhiệt thành, thánh thiện của các Ngài vẫn luôn in đậm trong toàn Giáo xứ. Nhiệm sở của Cha hạt trưởng Giuse Đinh Tường Huấn, quản xứ Phan Rang (1977-1990)

Từ năm 1977 Thầy Giuse Nguyễn Thường đã phục vụ giáo xứ đến năm 9/5/1990 được bổ nhiệm làm linh mục và coi sóc giáo xứ thân thương, quê hương của Cha(1990-1992). Ngài là vị linh mục, hoa trái đầu tiên của giáo xứ, đã đại tu và gia cố nhà thờ để tưởng nhớ và bảo trì công lao xây dựng của các bậc tiền bối. Ngài chăm lo đến tất cả các phương diện đời sống của người dân trong xứ dưới sự cộng tác của qúy sơ hội dòng Mến Thánh Giá Nha Trang.

Giáo xứ chuyển mình đổi mới với nhiệm sở của Linh mục Inagtio Trần Ngà (1992-2005), Bình Chính bắt đầu phát triển mạnh về các đoàn thể, các lớp giáo lý, ca đoàn… Đặc biệt với sự đóng góp của bà con trong nước cũng như hải ngoại Ngài đã xây dựng ngôi thánh đường khang trang, đậm nét văn hóa Á Đông.

Tháng 10/2005 giáo xứ hân hoan đón mừng Cha quản xứ mới trẻ trung, năng động Giuse Lê Thiện Vang (2005- 2010). Ngài tiếp tục củng cố đời sống đạo, các đoàn thể, nhất là về giới trẻ và Ngài mở các Tuần Đại Phúc.

Và từ tháng 8/2010 cho đến nay Cha Tôma Nguyễn Văn Thịnh đã tiếp tục hoạt động các đoàn thể, đời sống đạo, đặc biệt Ngài đã đại tu lại Đồi Đức Mẹ trở nên đẹp hơn, lộng lẫy hơn.

2. Hoa quả ơn gọi của giáo xứ

Bình Chính đã cống hiến cho Giáo Hội: 1 linh mục; 6 nữ tu, 5 tập sinh, 3 đệ tử Mến Thánh Giá Nha Trang; 3 nữ tu Mến Thánh Giá Gò Vấp; 2 nữ tu Đức Bà truyền giáo; 1 chủng sinh Lâm Bích.

III. Bình Chính ngày nay

1. Đời sống thường ngày:

Số giáo dân được thống kê năm 2004 là 2.400 và 7 gia đình tân tòng.

Với địa thế thuận lợi, trước có sông, sau có Núi Quýt che chắn, khí hậu ôn hòa nên bà con đã phát triển nghề chài lưới, sống đùm bọc lẫn nhau. Ngày thì đánh bả, đêm ra biển đánh cá; vì thế mới có câu: Tân An đất tốt người hiền, Ban ngày đánh bả, ban đêm đi nghề! Ngoài nghề chài lưới, bà con trong giáo xứ cũng phát triển thêm nghề nông và nghề chăn nuôi nghề làm ruộng muối, đặc biệt là nghề làm nước mắm để tránh đi tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”.

2. Sinh hoạt trong giáo xứ:

- Phòng Chẩn trị Đông y dưới sự điều hành của quý sơ Mến Thánh Giá Nha Trang giúp bà con trong vùng, không kể lương giáo.

- Cha quản xứ thường dâng các buổi lễ tại Đồi Đức Mẹ nhân ngày lễ kính Đức Mẹ, dâng thánh lễ mồng 2 tết tại nghĩa trang để kính nhớ ông bà tổ tiên.

- Các hội khuyến học được thành lập từ năm 1994 để giúp các học sinh nghèo vượt khó, phát thưởng cho các em học sinh giỏi.

- Các lớp giáo lý phổ thông được tổ chức hằng năm, các lớp giáo lý hôn nhân khai giảng hằng kỳ.

- Giáo lý viên và sinh viên trong giáo xứ tổ chức văn nghệ và hội chợ để góp thêm phần giúp đỡ các em học sinh nghèo.

Nguồn : Trang Web Giáo Phận Nha Trang

................................

Lễ Khánh thành nhà thờ Giáo xứ Bình Chính

VietCatholic News (30 Mar 2005 17:03)

GIÁO XỨ BÌNH CHÍNH

Tôi cùng đoàn Sài gòn, gồm những anh em bạn bè thân quen của cha Ngà, vượt hàng trăm cây số đến Giáo xứ Bình Chính, Giáo phận Nha trang dự lễ khánh thành Nhà thờ mới.

Đến Thị xã Phan Rang, rẽ phải xuôi về miền biển Tri Thuỷ, Khánh Hải. Từ xa đã thấy tháp chuông nhà thờ vươn cao. Qua biển Ninh Chữ đã thấy phong cảnh tuyệt đẹp của Thị trấn Khánh hải. Người hướng dẫn cho biết đây là quê hương của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Bên này cầu Tri Thuỷ là trường Cao đẳng sư phạm, trường này trước đây do Ong Thiệu xây dựng làm trường đại học.

Biển lách qua núi đá, ăn thông vào đất liền một diện tích rộng lớn. Nhờ vùng vịnh này mà miền đất vốn toàn cát trắng và núi đá đã trở nên trù phú. Nhà cửa xây san sát.Tàu thuyền tấp nập. Những vuông tôm chạy dài ngút mắt. Những ruộng muối vuông vức như bàn cờ trải đầy những đồi muối.

Qua cầu Tri Thuỷ, rẽ phải, đường đến nhà thờ có núi một bên, biển một bên. Núi đá, toàn những tảng lớn chồng lên nhau tạo nên vô vàn hình ảnh kỳ thú. Biển hiền hoà nhẹ nhàng sóng vỗ. Núi và biển ôm lấy giáo xứ, tạo khung cảnh thơ mộng êm đềm của một xứ đạo miền duyên hải.

Hôm nay Giáo xứ Bình Chính tổ chức đại lễ. Cha xứ Ignatiô Trần Ngà vui tươi đón chào quý khách gần xa. Các bà mẹ công giáo, các em thiếu nhi, đứng thánh hai hàng dài từ cổng hân hoan chào mừng. Nhiều màu áo dài các bà mẹ mặc làm nên nét đẹp của lòng hiếu khách. Chủ và khách, ai cũng vui vẻ tươi cười rạng rỡ.

Đức Giám Mục giáo phận đến. Đoàn rước đón ngài từ ngoài cổng nhà thờ. Đội hoa, trồng trắc, các hội đoàn, hội đồng mục vụ, phương du đón mừng rước vị chủ chăn tiến vào nhà xứ. Nhà thơ Đình Bảng làm M.C hướng dẫn mọi người chào mừng Đức Cha, quý cha và các vị khách quý.

A. Thánh lễ

Đúng 9 giờ, đoàn đồng tế tiến về tiền đường. Cộng đoàn hát vang bài ca “Lên đền thánh” : Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường, đường đưa ta đi lên đền Chúa ta. Đức Giám mục cắt băng khánh thành. Mười bốn em thiếu nhi thả 14 chim bồ câu mang theo ước nguyện 14 liên gia bay lên cao. Ngài trao chìa khoá nhà thờ cho cha xứ. Mọi người cùng hân hoan bước vào Nhà Chúa. Có 90 linh mục, đông đảo các nữ tu nhiều hội dòng.

Trước nghi thức cung hiến bàn thờ và thánh đường, cộng đoàn được nghe trình bày về tiến trình xây dựng và ý nghĩa một số nét đặc trưng của nhà thờ.

1.Tiến Trình :

Cách đây 3 năm, khi đến làm phép phòng khám chữa bệnh từ thiện của giáo xứ, Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Nho thấy ngôi nhà thờ cũ đã được xây dựng 48 năm về trước không còn đáp ứng được nhu cầu thờ phượng của giáo dân ngày càng đông đảo, nên Ngài đã khuyến khích xây dựng nhà thờ mới.

Vào ngày 1-6-2003, Đức Cha Phao-lô đã chính thức cho phép tiến hành xây dựng.

Giáo xứ bắt tay vào công tác vận động tiền. Vào giai đoạn đầu, trong phiên họp ngày 20-9-2002, linh mục quản xứ cùng Hội Đồng Giáo Xứ chỉ dám xin ân nhân hải ngoại đóng góp US$ 90,000.00, để xây dựng lại thánh đường. Lúc bấy giờ, giáo xứ chỉ cầu mong xây được một ngôi nhà thờ đơn giản với kinh phí dự trù chừng 2 tỷ đồng. Thế nhưng sau khi phát động, ân nhân hải ngoại đã đóng góp cho công việc xây dựng lên đến US$145,000.00.

Tin tưởng vào sự hào phóng của bà con hải ngoại, cha quản xứ cùng Hội Đồng Giáo Xứ quyết định thiết kế lại nhà thờ theo một mô hình kiên cố và mỹ thuật hơn: giàn mái bằng bê tông cốt thép thay vì bằng kèo sắt như dự kiến ban đầu, xây tường nhà thờ toàn bằng đá; đúc thêm sàn bê tông cho phòng thánh, xây thêm tầng hầm lửng dưới cung thánh. Sự thay đổi nâng cấp nầy khiến kinh phí tăng cao.

Thế là giáo xứ lại phát động lần vận động thứ hai và lần nầy cũng được quý bà con thân thuộc đang sống tại hải ngoại tận tình giúp đỡ.

Cho đến nay, tổng số tiền quý ân nhân hải ngoại đóng góp lên đến US$ 240,000.00, chiếm 90 % kinh phí toàn bộ công trình.

Tháo gỡ nhà thờ cũ ngày 02.06.2003. Đặt viên đá : 30.06.2003. Lễ cung hiến 29.3.2005.Tổng kinh phí là 5 tỉ đồng. Nhờ bà con ở hải ngoại, đặc biệt, có hai người dâng một số tiền lớn vào việc xây dựng Nhà thờ ( US$25,000.00 và US$23,000.00), một giáo dân trong xứ dâng 200 triệu. Nhờ nhiều tấm lòng như vậy mà công trình bề thế này đã hoàn thành trong vòng 22 tháng.

2. Kích thước thánh đường

Dài: 59,8m. rộng: 26,6m
Nền nhà thờ cao: 1,50
Diện tích xây dựng: 1.590m2
Diện tích sử dụng: 1.262m2

Diện tích sàn cung thánh, sàn gác đàn, sàn phòng áo, và sàn tháp chuông cộng lại là: 377 m2.

3. Một số nét đặc trưng

a. Lời của đá: Nhà thờ được xây toàn bằng đá. Những khối đá được đục từ trên núi xa 15-30km, đưa về đẽo gọt công phu. Nhiều viên đá với những màu sắc khác nhau, những kích thước khác nhau được tuyển chọn từ những vùng khác nhau, được gọt dũa tỉ mỉ để xây nên nhà thờ. Điều này nhắc nhở giáo dân rằng: tuy mỗi người khác nhau về nhiều mặt nhưng được tình yêu Chúa Kitô quy tụ lại và được Lời Ngài gọt giũa để làm nên một Hội Thánh duy nhất như lời Thánh Phaolô : “ Anh em là những viên đá sống động xây nên đền thờ Thiên Chúa”. Cũng chính vì lẽ đó, nhà thờ đựoc Giáo Hội xem như là hình ảnh của Hội Thánh.

b. Cấu trúc nhà thờ :

Thánh đường dâng kính Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba ngọn tháp cao vút nhắc nhở giáo dân về mầu nhiệm Ba Ngôi. Nhiều lớp mái cong cong trùng điệp như gợi nhớ đến gà mẹ xoè cánh ấp ủ gà con. Cấu trúc tổng thể của Nhà thờ làm nổi lên chủ đề : Tình yêu Chúa Ba Ngôi ấp ủ bao bọc đàn con cái.

c. Tiếng nói bàn thờ : bàn thờ hình elip không góc, không cạnh gợi lên hình ảnh một chiếc bàn tròn, bàn tròn hiệp thông. Hình ảnh các linh mục đồng tế quây quần chung quanh chiếc bàn tròn này nhắc nhở tín hữu rằng : Thánh lễ là bàn tiệc hiệp thông, chúng ta đựoc mời gọi quây quần chung quanh bàn tiệc yêu thương để hiệp thông với Mình Máu Thánh Chúa Giêsu và nhờ đó đựoc hiệp thông với nhau mật thiết hơn.

d. Lôgô “Thiên Chúa là tình yêu”

Phía cao trên Ghánh giá là Lôgô”Thiên Chúa là tình yêu”. Tình yêu được diễn tả bằng hình ảnh một trái tim. Ở giữa trái tim có ngọn lửa cháy bừng mang ý nghĩa diễn tả tình yêu Thiên Chúa rất mãnh liệt; đồng thời ngọn lửa ấy là biểu tượng của Chúa Thánh Thần. Ngọn lửa đó cũng có hình chim bồ câu, một biểu tượng khác của Chúa Thánh thần. Trái tim được tạo nên bởi hai cánh tay vươn ra. Cánh tay trái vươn ra ôm lấy bồ câu là biểu tượng của Chúa Thánh thần; cánh tay phải vươn ra ôm lấy thập giá, biểu tượng Chúa Giêsu. Thế là Ba Ngôi liên kết nên một trong vòng yêu thương. Tría tim này không khép kín, nhưng để mở ra, có ý nghĩa nói rằng : Tình yêu Ba Ngôi không đóng khung trong phạm vi Ba Ngôi nhưng đựoc mở ra để thông ban cho nhân loại. Lôgô này gởi đến mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình tín hữu một lời mời gọi : Hãy hiệp nhất nên một theo gương Ba Ngôi; và khi nhìn vào đó, ta vẳng nghe lại lời cầu của Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha năm xưa: “Lạy Cha, xin cho họ nên một như Chúng Ta là một” (Ga 17,22).

e. Nhà Tạm : Một khối đá hình Trống đồng lớn dưới chân Thánh giá. Nhà Tạm nằm ở giữa trống đồng Ngọc lũ kết hợp với cuốn Tin Mừng. Trống đồng Ngọc lũ là một trang sử thu nhỏ của dân tộc Việt nam cách đây hơn 2000 năm, có khắc hoạ những sinh hoạt của người dân Việt trong những giai đoạn đó. Thánh Thể Chúa nằm ở trung tâm mặt trống đồng nói lên ý nghĩa Chúa giêsu là trung tâm của lịch sử và văn hoá. Mình Thánh Chúa được đặt phía sau Tin Mừng nhằm diễn tả Chúa Giêsu ẩn mình sau từng trang sách của Tin Mừng. Hãy đến với Tin Mừng, mọi người sẽ gặp Chúa Giêsu.

Đức Cha Phaolô làm phép cung hiến bàn thờ, thánh đường. Trong bầu khí thánh thiện trang trọng, cộng đoàn phụng vụ cùng hiệp thông bàn tiệc Thánh Thể. Sự sống thần thiêng của Chúa được bẻ ra trao ban cho mọi người.

Trong lời cảm tạ, ông chủ tịch hội đồng giáo xứ đã dâng lời chúc mừng 30 năm Giám Mục của Đức Cha Phaolô. Ngài ban huấn từ và mời gọi mỗi người hãy chăm lo đền thờ tâm hồn, xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự. Ngài nói rằng: Nhà Thờ Bình Chính là một công trình nghệ thuật, xây dựng rất mỹ thuật, xứng đáng là nơi thờ phượng Thiên Chúa, nơi thánh hoá con người; anh chị em hãy nên cố gắng nên thánh để tâm hồn mình xứng đáng là đền thờ Ba Ngôi Thiên Chúa.

B. Tìm hiểu về Bình Chính

Ngược dòng thời gian, tìm hiểu về giáo xứ để thấy được ân huệ Thiên Chúa ban quá đổi lớn lao cho giào dân nơi đây.

1. Đôi dòng lịch sử

Theo truyền tụng thì vào thời Văn Thân (1885-1887), một số đồng bào quá khích nổi lên bách hại các làng Công giáo ở các tỉnh phía Bắc.

Thế nên vào khoảng năm 1886, có một linh mục dẫn chừng 20 gia đình công giáo thuộc Hạt Bình Chính, tỉnh Quảng Bình vào lánh nạn tại vịnh Đầm Nại, dưới chân Núi Đình. Nay là thôn Tân An, xã Tri Hải, Huyện Ninh hải, tỉnh Ninh Thuận.

Đây là vùng rừng rú, có nhiều thú dữ như cọp, beo, gấm … nên đêm đêm bà con phải đốt lửa để đuổi cọp! Nhưng đây lại là vùng đất trù phú, trước có sông, sau có Núi Quít che chắn, khí hậu rất ôn hoà mát mẻ. Vì làm nghề chài lưới, nên các gia đình nầy đã hợp thành xóm chài nhỏ sống đùm bọc giúp đỡ nhau. Ngày đánh bả (một kiểu xe các sợi chỉ để may lưới đánh cá) và đêm thì ra biển đánh bắt cá. Vì thế có câu ca dao :

“Tân An đất tốt người hiền
Ban ngày đánh bả, ban đêm đi nghề !”

Về sau nhận thấy nơi đây làm ăn được, tiện lợi cho nghề làm rẫy trồng bắp đậu khoai lang, hay chăn nuôi bò trừu dê … và cũng rất thuận tiện cho nghề chài lưới, nên một số gia đình khác từ Hạt Bình Chính, tỉnh Quảng Bình tiếp tục di cư vào đây lập nghiệp, làm thành một xóm đạo lấy lại tên Bình Chính để ghi nhớ quê hương gốc gác của mình.

Thời ấy, đa số bà con dốt nát ít chữ nghĩa, nên khi đi biển thường gặp các đội tuần tiểu của lính tây xét hỏi giấy tờ lý lịch, lắm lúc các ông đơn sơ chất phát không biết phải trả lời như thế nào nên thường bị lính tây đánh đòn ! Cuối cùng các cụ các bác trong làng mới họp nhau và thống nhất “Hễ có bị xét hỏi họ tên là gì thì sẽ trả lời là họ Nguyễn”, đó là lý do tại sao tất cả những người gốc giáo xứ Bình Chính đều mang họ Nguyễn !

Từ đó, một giáo họ nhỏ được hình thành, trực thuộc giáo xứ Tấn Tài, lấy tên là Bình Chính. (Mượn lại tên huyện Bình Chính ở Quảng Bình là quê cũ).

Đến tháng Giêng năm 1924, giáo họ Bình Chính được vinh dự đón rước cha sở đầu tiên. Đó là cha Phanxicô Xaviê Ban. Ngài phục vụ Bình Chính suốt 5 năm liền, từ tháng Giêng năm 1924 đến tháng Giêng năm 1929. Giáo xứ Bình Chính xem như được thành lập vào thời điểm này.

Nhưng sau đó, cha Phanxicô Xaviê Ban đổi xứ (tháng 12 năm 1929), cố Châu (Le Darré), quản xứ Tấn Tài và các cha kế nhiệm, kiêm nhiệm giáo xứ Bình Chính trong suốt 10 năm, từ 1929 đến 1939.

Vào thời kỳ này, cố Châu cho xây dựng một ngôi nhà mới (năm 1930) cho các nữ tu và mời các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn về phục vụ giáo xứ.

Đến tháng 8 năm 1939, cha Phaolô Nguyễn Tuần được nhậm chức quản xứ. Kể từ đó, giáo xứ Bình Chính lại có cha sở ở thường xuyên tại chỗ cho đến ngày nay.

2. Danh sách các linh mục quản xứ theo thứ tự thời gian.

Cha Phanxicô Xaviê Ban: từ tháng 1 năm 1924 đến tháng 1 năm 1929.
Cha Phaolô Nguyễn Tuần, quản xứ Tấn Tài, kiêm nhiệm Bình Chính: từ tháng 8 năm 1939 đến tháng 8 năm 1952.
Cha Augustino Nguyễn Thanh Long: từ tháng 9 năm 1952 đến tháng 3 năm 1956.
Cha Tôma Nguyễn Huồn: từ tháng 3 năm 1956 đến tháng 9 năm 1957.
Cha Gioan Vũ Văn Nghiêm: từ tháng 10 năm 1957 đến tháng 5 năm 1961.
Cha Giuse Nguyễn Trọng Báu: từ tháng 5 năm 1961 đến tháng 12 năm 1971.
Cha Giuse Nguyễn Thăng Long: từ tháng 1 năm 1972 đến tháng 1 năm 1974.
Cha Antôn Vũ Ngọc Đăng: từ tháng 9 năm 1974 đến tháng 12 năm 1974.
Cha Phaolô Đậu Vương Quyền: từ tháng 3 năm 1975 đến tháng 1 năm 1977.
Cha Giuse Đinh Tường Huấn, hạt trưởng Ninh Thuận, kiêm nhiệm Bình Chính từ tháng 2 năm 1977 đến tháng 5 năm 1990.
Cha Giuse Nguyễn Thường: từ tháng 5 năm 1990 đến tháng 4 năm 1992.
Cha Inhaxiô Trần Ngà: từ tháng 5 năm đến 26/10/2005.
Cha Giuse Lê Thiện Vang từ 26/10/05 - nay

3. Địa lý tổng quát.

Hiện nay (2005), giáo xứ Bình Chính có 2.400 giáo dân được chia làm thành nhiều khu vực:

Khu vực chính: thuộc thôn Tân An, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, gồm có 2.000 giáo dân sống trên diện tích chừng 4 km2.

Khu vực chung quanh gồm:

* Vùng Tri Thuỷ: thôn Tri Thuỷ, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, có 200 giáo dân trên tổng số 3700 người dân.

* Vùng thị trấn Khánh Hải: gồm thôn Dư Khánh và Ninh Chữ, có 80 giáo dân trên tổng số 12.000 người dân.

* Vùng Khánh Hội, Khánh Tường: nằm về phía Đông thôn Tân An, có 50 giáo dân trên tổng số 2.000 người dân.

* Ngoài ra còn có 7 hộ gia đình người Dân Tộc Chăm ở Bỉnh Nghĩa là bổn đạo mới.

* Mười Bốn Liên Gia: Giáo xứ được chia thành 14 liên gia: 13 liên gia thuộc thôn Tân An, và liên gia thứ 14 gồm các gia đình đang sống rải rác chung quanh. Các công tác trong giáo xứ đều được phân bố cho các liên gia thực hiên.

4. Hoa trái.

Giáo xứ đã cống hiến cho Giáo Hội một linh mục và ba nữ tu. Đó là:

* Linh mục Giuse Nguyễn Thường, sinh năm 1951, thụ phong linh mục ngày 9 tháng 5 năm 1990 hiện đang là giáo sư tại Đại Chủng Viện Sao Biển, Nha Trang.

* Nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Kim Sắc, sinh năm 1951, khấn dòng ngày 19 tháng 3 năm 1991.

* Nữ tu Tê-rê-xa Nguyễn Thị Bảo Trân, sinh năm 1982, khấn dòng năm 2004.

* Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thơ, sinh năm 1980, khấn dòng năm 2005.

* Ngoài ra, theo gót đàn anh đàn chị đi trước, hiện nay có một chủng sinh ngoại trú năm thứ ba, mười lăm em nữ đang gia nhập các cộng đoàn nữ tu và 72 em dự tu từ lớp sáu trở lên thường xuyên tham gia các sinh hoạt dự tu được tổ chức hằng tuần.

5. Sinh hoạt của giáo xứ.

Mừng lễ thánh quan thầy Phêrô vào ngày 29 tháng 6 hàng năm. Đây là một ngày lễ hội đặc biệt của giáo xứ. Mọi người mừng lễ trong tinh thần phấn khởi hân hoan. Những người dân gốc Bình Chính sinh sống ở phương xa cũng nhớ quay về quê hương mừng lễ. Ngoài một thánh lễ trọng thể mừng bổn mạng, giáo xứ còn tổ chức rước kiệu thánh Phêrô ban đêm, làm phép ghe và tổ chức đua ghe, lắc thúng.

6. Các nữ tu tham gia xây dựng giáo xứ:

Sức sống của giáo xứ được gia tăng đáng kể nhờ sự đóng góp của:

* Các nữ tu Mến Thánh Giá Quy Nhơn từ năm 1930 đến năm1952.

* Các nữ tu Mến Thánh Giá Nha Trang từ năm 1961 đến nay.

Các nữ tu đã đóng góp rất tích cực vào việc mở mang dân trí, dạy giáo lý và nhân bản, phục trách các ca đoàn và giáo lý viên cùng tham gia tổ chức các dịp lễ.

C. Hướng về tương lai.

Giáo xứ Bình Chính có bề dày lịch sử. Trải qua biết bao thăng trầm của đất nước của Giáo hội nay vững vàng tiến về tương lai.

Nhà thờ bề thế. Nhà xứ rộng rãi. Nhà trẻ, nhà giáo lý, hội trường… Nhà nào cũng khang trang, đẹp đẽ. Xứ có 6 ha ruộng muối. Nhờ biến cố 1975 mà nơi đây có nhiều người “vượt biên”. Họ đã trở nên hậu phương vững mạnh cho giáo xứ, cho bà con giáo dân.

Cha xứ Trần Ngà về coi sóc giáo xứ 13 năm qua. Một linh mục trẻ nhiệt thành, năng động. Ngài chăm lo phát triển mọi mặt của giáo xứ như một mục tử hết mình vì đoàn chiên. Ngài còn tham gia công việc ban giáo lý giáo phận, viết bài suy niệm chia sẽ trên internette.

Những công trình xây cất. Những sinh hoạt đạo đức. Những hội đoàn. Cha xứ năng động. Cùng với lòng đạo đức truyền thống của dân Quãng bình đã làm nên một cộng đoàn đức tin hiệp nhất yêu thương đưa xứ đạo ngày càng tiến triển không ngừng.

29.3.2005

Chính Tâm

* Nguồn : Trang Web Giáo phận Nha Trang


 

Hình ảnh nhà thờ Giáo xứ Bình Chính

Hình ảnh Giáo xứ Bình Chính mừng Lễ Thánh Bổn Mạng Phêrô (1/7/2012)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình ảnh bổ sung xin gởi về
giaoxugiaohovietnam@Yahoo.com 

[Trở về đầu trang ]

 
Tin tức liên quan :