|

Lược
sử Giáo xứ Bình Hải
(25/11/2017)
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ :
Giáo xứ Bình Hải bao gồm các xã ven biển của huyện Bình Sơn :
Bình Hải, Bình Phú, Bình Châu, Bình Tân, Bình Thuận và Bình Trị.
Xã Bình Hải có 4 thôn: Vạn Tường, Thanh Thuỷ, An Cường, Phước
Thiện;
Xã Bình Phú có 2 thôn: An Thạnh, Phú Nhiêu;
Xã Bình Châu có 8 thôn: Tân Đức, Châu Me, Châu Bình, Thuận Biển,
Thuận Nông, Định Tân, Phú Quý, An Hải;
Xã Bình Tân có 4 thôn: Liêm Quang, Nhơn Hòa 1, Nhơn Hòa 2, Diên Lộc;
Xã Bình Thuận có 5 thôn: Thuận Phước, Đông Lỗ, Tuyết Diêm 1, Tuyết
Diêm 2, Tuyết Diêm 3;
Xã Bình Trị có 3 thôn: An Lộc, Phước Hòa, Lệ Thuỷ.

Trước đây, nghĩa là khoảng từ năm 1954 về trước, để đến được vùng
đất giáo xứ Bình Hải, phương tiện giao thông duy nhất là ghe thuyền
từ hai cửa Sa Cần ở phía Bắc và Sa Kỳ ở phía Nam. Nay giao thông
đường bộ khá thuận lợi. Từ Quốc lộ IA về đến nhà thờ Bình Hải khoảng
20 km về hướng Đông. Trên quốc lộ IA, từ Bắc vô Nam, tại thị trấn
Châu Ổ, theo tỉnh lộ 624 về hướng Đông hoặc từ Nam ra Bắc, tại ngã
ba Long Hội, xã Bình Long theo đường Võ Văn Kiệt về khu công nghiệp
Dung Quất, hai đường giao nhau tại Long Bình, xã Bình Hòa, từ điểm
giao nầy theo hướng đến Vạn Tường, sẽ đến trung tâm sinh hoạt của
giáo xứ là nhà thờ Bình hải, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải.
II. ĐÔI DÒNG LƯỢC SỬ
Trước năm 1975, xã Bình Hải gọi là xã Bình Thiện, xã Bình Phú gọi
là xã Bình Ân, xã Bình Châu gọi là xã Bình Đức, xã Bình Tân gọi là
xã Bình Nam và xã Bình Trị gọi là xã Bình Thông. Năm xã miền biển
nầy chiếm hơn 2/3 trong 54km bờ biển của huyện Bình Sơn, một bờ biển
khúc khuỷu nhất của tỉnh Quảng Ngãi với nhiều mũi đất và vũng vịnh.
Bên tả ngạn cửa Sa Kỳ là bờ biển thôn Tân Đức và thôn An Hải của xã
Bình Châu. Tại bờ biển vũng Việt Thanh thuộc thôn Phước Hòa, xã Bình
Trị có nhà máy lọc dầu số 1 khu công nghiệp Dung Quất. Vịnh Nho Na
thuộc vùng bờ biển thôn Thanh Thủy và thôn Phước Thiện của xã Bình
Hải. Các cửa biển và vũng vịnh này, từ xưa đã là điều kiện thuận lợi
cho cư dân phát triển nghề đánh bắt và chế biến hải sản. Đặc biệt
Cửa Sa Kỳ nằm giữa xã Bình Châu của huyện Bình Sơn và xã Tịnh Kỳ của
huyện Sơn Tịnh, có lạch ngầm sâu dài khoảng hơn 1 km được xây dựng
thành một cảng biển. Sa Kỳ chẳng những là cảng cá đã cung cấp số
lượng cá rất lớn cho Quảng Ngãi, mà còn là cảng giao thương hàng hóa
từ khắp nơi đổ về, cụ thể nhất là huyện đảo Lý Sơn. Từ thành phố
Quảng Ngãi xuôi theo quốc lộ 24B về cảng Sa Kỳ, tàu cao tốc vượt
biển khoảng 45 phút là đến với huyện đảo Lý Sơn và giáo xứ Lý Sơn
giữa nghìn trùng sóng nước. Vì phần đông cư dân thuộc địa bàn giáo
xứ Bình Hải sống ven biển nên việc mưu sinh hằng ngày chủ yếu dựa
vào biển giã. Một số nhỏ sống bằng nông nghiệp nhưng vùng đất cát
ven biển nên sản phẩm từ cây lương thực tại đây thường có bình quân
rất thấp.
Trong điều kiện dễ kiếm sống qua ngày nhưng không dễ làm giàu tại
vùng đất giáo xứ Bình hải, người dân đã tụ cư lập làng ở đây từ lâu
đời. Trong thời các thừa sai Dòng Tên truyền giáo ở Đàng Trong, tại
làng Thanh Minh thuộc xã Bình Thuận ngày nay là một địa bàn được các
thừa sai Dòng Tên rửa tội cho một số người, trong đó có ông Gioan
Thanh Minh. Ông là người con trong một gia đình quan chức và có
tiếng là văn hay chữ tốt. Năm 1622, lúc được 34 tuổi, ông gia nhập
Kitô giáo. Ông và bà vợ của ông được một thầy giảng lớn tuổi dạy
giáo lý và được cha Manoel Fernandez, thừa sai Dòng Tên, ban Bí tích
rửa tội. Sau khi vợ ông qua đời, ông gia nhập đoàn thầy giảng và
giúp nhiều người nhận biết Chúa. Ông cũng là người dạy cho các thừa
sai về ngôn ngữ Đàng Trong. Năm 1629, cha Fernandez ẩn trú tại nhà
ông khoảng sáu tháng để tránh lệnh trục xuất của chúa Sãi.[1] Ông là
một thi sĩ Công giáo, viết nhiều thi phẩm về Chúa và các thánh bằng
chữ Nôm, có thể kiểm đếm được 15 thi phẩm. Những thi phẩm của ông đã
gợi hứng cho nhiều người trong xứ được ơn nhận biết Chúa. Chính chúa
Thượng Nguyễn Phúc Lan cũng khen ngợi khi nghe ngâm những thi phẩm
của ông.[2] Trong số các thi phẩm của ông, cha Philipphê Bỉnh cho
rằng Tam Phụ là một thi phẩm rất hay. Thi phẩm cuối cùng của ông
được viết về sự chay tịnh của Chúa Giêsu trong sa mạc. Khi đã biết
Chúa, ông dùng tài năng của mình để phụng sự Chúa. Ông là một trong
những mô hình tông đồ giáo dân nòng cốt đem lại nhiều kết quả trong
công cuộc truyền giáo. Ông đã tuẫn đạo cùng với ba Kitô hữu khác vào
ngày 02.05.1663.[3] Hiện nay (2017) tại làng Thanh Minh này có hai
gia đình giáo dân, trong đó có gia đình cụ Phaolô Huỳnh Văn Minh, cụ
đã ngoài 80.
Như vậy vùng đất thuộc giáo xứ Bình Hải ngày nay đã đón nhận bước
chân của các thừa sai loan Tin Mừng từ thưở bình minh của công cuộc
truyền giáo trong giáo phận. Tuy nhiên Tin Mừng đã bị mai một khá
lâu trên vùng đất này, mãi đến những năm đầu hậu bán thế kỷ 20, hạt
giống Tin Mừng mới được tiếp tục gieo xuống.
Giai đoạn thuộc giáo xứ Trung Tín
Từ buổi đầu lịch sử truyền giáo tại Quảng Ngãi, tức từ tiền bán
thế kỷ 17 cho đến tiền bán thế kỷ 19, phía Bắc Quảng Ngãi mới có một
giáo xứ được thành lập, giáo xứ Trung Sơn, sau gọi là giáo xứ Trung
Tín, tiền thân giáo xứ Châu Ổ hôm nay. Cho đến hôm nay, phía Bắc
Quảng Ngãi vẫn chỉ có một giáo xứ Châu Ổ nầy.
Lúc bấy giờ trung tâm sinh hoạt của giáo xứ Trung Tín là nhà thờ
Trung Tín thuộc xã Bình Lãnh nay là Bình Phước. Thời cha Tôma Bùi
Đức làm cha sở Trung Tín (1958-1963), cha đã mở rộng công cuộc
truyền giáo đến các xã lân cận. Ngay năm đầu tiên làm cha sở Trung
Tín, cha đã thành lập một đội ngũ tông đồ giáo dân làm công tác
truyền giáo. Các xã đều có người được cha phái đến lo việc truyền
giáo. Cha phái ông Giuse Nguyễn Ngọc Tháp về xã Bình Thiện nay là xã
Bình Hải để tiếp cận, tìm hiểu, tìm cách đặt nền móng cho công việc
mở mang đạo Chúa. Lúc đầu, ông Giuse Nguyễn Ngọc Tháp đã tiếp cận,
làm quen với một số viên chức trong chính quyền dân sự của xã Bình
Thiện: Ông Ngô Quang Hưng (xã trưởng), ông Mai Xuân Tràng (cán sự
canh nông), ông Mai Xuân Tốt (ấp trưởng), ông Võ Tấn Đông (cán sự
thông tin), ông Mai Xuân Hải và ông Mai Xuân Thảo. Sau thời gian
được biết nhau, các vị viên chức xã Bình Thiện đã thuận tình với ông
Tháp về việc mở đạo tại vùng đất nầy. Các vị đã sắp xếp đến nhà thờ
Trung Tín (cách đó 14 km) để xin Cha Tôma Bùi Đức cử người về dạy
giáo lý và kinh bổn cho dân làng .
Cơ hội đã đến. Cha Tôma Bùi Đức lần lượt gởi các giảng viên giáo
lý đến xã Bình Thiện: Ông Giuse Võ Truất (Nhẫn), ông F.X. Hân, ông
Gioan Lê Tòng (Một), ông Marcellô Liêm. Lúc đầu, nhà dân là điểm qui
tụ để gặp gỡ, làm quen và dạy kinh bổn cho một số ít dân làng. Dần
dần số người tìm hiểu đạo Chúa mỗi ngày thêm đông, do đó có một điểm
qui tụ cho số đông người là nhu cầu cần phải giải quyết. Để giải
quyết nhu cầu nầy, ông Ngô Kinh, một người địa phương sở hữu nhiều
đất đai trong vùng nên còn gọi là ông Chủ Ba, cha của ông Ngô Quang
Hưng, đã dâng cúng một khuôn đất trống tại khu Động Đình, nay thuộc
xóm III thôn Phước Thiện. Trên khuôn đất nầy, năm 1960, cha Tôma
cùng với dân làng đã hợp lòng hợp sức làm nên một ngôi nhà nguyện
tạm cho giáo điểm truyền giáo nầy.
Mọi sự được thuận lợi. Công đoạn tiếp cận làm quen cư dân như
công đoạn dọn đất chuẩn bị gieo hạt của nhà nông đã sẳn sàng, hạt
giống đức tin đã được gieo, có những hạt đã nẩy mầm. Sau khi có nhà
nguyện cho giáo điểm, Cha Tôma bắt đầu ban phép Rửa Tội cho một số
người, trong đó có một số viên chức cốt cán của địa phương. Các vị
cũng là những tông đồ giáo dân rất đắc lực trong công tác Công giáo
Tiến hành:
Ông Gioan Ngô Kinh
Ông Gioan Ngô Quang Hưng
Ông Gioan Mai Xuân Tràng
Ông Marcello Mai Xuân Tốt
Ông Marcello Mai Xuân Hải
Ông Phanxicô Xaviê Mai Xuân Thảo
Ông Gioan Võ Tấn Đông
Trước nhu cầu của các giáo điểm truyền giáo trong vùng, cha Tôma
lập các nhà nguyện Phước Thiện (1960), Vạn Tường (1960), Thanh Thủy
(1961) thuộc xã Bình Thiện nay là Bình Hải; An Thạnh (1962) thuộc xã
Bình Ân nay là Bình Phú; An Lộc (1961), Lệ Thuỷ (1961) thuộc xã Bình
Thông nay là Bình Trị.
Như hạt giống vừa mới nẩy mầm lại gặp nắng gắt và khô hạn, hệ quả
cuộc chính biến 01/11/1963 là một thử thách lớn lao đối với thế hệ
tân tòng đầu tiên. Họ chứng kiến cảnh nhà nguyện bị đốt phá, đạo
Chúa bị vu khống… do đó đức tin mới mẻ của các tân tòng bị chao đảo.
Đến đầu tháng 7/1965, cuộc sống đức tin của các tín hữu mới lại thêm
một hoàn cảnh éo le. Do tình hình an ninh, cha sở Trung tín, Phaolô
Huỳnh Ngọc Cảnh đưa giáo dân Trung Tín vào tạm cư tại giáo xứ Phú
Hòa, sau đó di cư vào Nam. Một số nhỏ giáo hữu tân tòng nơi những
giáo họ xa trung tâm sinh hoạt của giáo xứ cũng di tản đến Phú Hòa
trong dịp nầy; một số di cư tự do, số còn lại vẫn bám làng bám biển
quê hương. Trước tình cảnh giáo xứ không có Linh mục và anh em tín
hữu ly tán như thế, tháng 9/1968, Đức Giám mục giáo phận trao cho
Dòng Chúa Cứu Thế xã Bình Lãnh nay là Bình Phước, một xã có những
giáo họ có truyền thống đức tin lâu đời của giáo xứ Trung Tín như
Trung Tín, Trung Thành, Trung Hậu, Trung Chánh, nhưng lúc bấy giờ
giáo dân đã bỏ đi hầu hết. Ngày 14/04/1969 Đức Giám mục giáo phận
trao thêm cho Dòng Chúa Cứu Thế 11 xã còn lại của huyện Bình Sơn.
Như vậy những con chiên kiên trì bám trụ trước phong ba bảo táp
trong huyện Bình Sơn nói chung và cách riêng trong các xã Bình Hải,
Bình Phú, Bình Châu, Bình Tân và Bình Trị được các cha Dòng Chúa Cứu
Thế ở Châu Ổ chăm sóc mục vụ.
Trước năm 1958 tại trung tâm truyền giáo Châu Ổ đã có một số ít
người công giáo. Cha Phaolô Huỳnh Tấn Ngoan, cha sở Trung Tín, như
người dọn đất và gieo hạt, đã nhiều lần đến đây rao giảng Tin Mừng.
Cha Tôma Bùi Đức, cha sở Trung Tín kế nhiệm cha Ngoan, như người thợ
gặt đến thu hoạch đồng lúa chín vàng. Năm 1958, Cha Tôma Bùi Đức
được bổ nhiệm đến Trung Tín thay cha Ngoan, dân chúng trong vùng
tình nguyện đến xin theo đạo. Ban đầu, nhóm mấy chục rồi đến cả trăm
như ngày mùa bội thu.[4] Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho
các tín hữu mới, các nhà thờ, nhà nguyện dần dần được hình thành
trong vùng truyền giáo. Trong đó nhà thờ Bình Vân thuộc xã Bình Vân,
huyện Bình Sơn, ngày nay là thị trấn Châu Ổ, được chọn làm trung tâm
sinh hoạt phụng vụ của Trung Tâm Truyền Giáo.
Tháng 05 năm 1961 cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri được bổ nhiệm làm
cha phó Trung Tín, ở tại Châu Ổ, phụ trách Trung Tâm Truyền Giáo
Châu Ổ. Đầu năm 1963, Cha Tri được bổ nhiệm làm cha sở Hoàng Phước,
nay thuộc giáo phận Đà nẵng. Ngày 25/03/1963, Đức cha Phêrô Maria
Phạm Ngọc Chi trao Trung Tâm Truyền giáo Châu Ổ cho Dòng Chúa Cứu
Thế gồm:
- Phần đất tách ra từ các giáo xứ Tân Lộc và giáo xứ Cù Và gồm ba
xã: Trà Khương, Trà An, Trà Hoà của huyện Trà Bồng .
- Phần đất tách ra từ giáo xứ Trung Tín gồm 10 xã của huyện Bình
Sơn: Bình Vân, Bình Sa, Bình Thuỷ, Bình Phương, Bình Liên, Bình
Thượng, Bình Phiên, Bình Tuy, Bình Tuyến, Bình Khánh .
Ngày 25.03.1963 cũng chính là thời điểm giáo xứ Châu Ổ được thành
lập.
Giai đoạn thuộc giáo xứ Châu Ổ
Như đã nói trên, từ khi cha sở và giáo dân Trung tín di cư, việc
mục vụ trong địa bàn giáo xứ Trung Tín được các cha dòng Chúa Cứu
Thế tại Châu Ổ đảm nhận. Lúc bấy giờ các nhà nguyện Phước Thiện
(1960), Vạn Tường (1960), Thanh Thủy (1961) thuộc xã Bình Thiện nay
là Bình Hải; An Thạnh (1962) thuộc xã Bình Ân nay là Bình Phú; An
Lộc (1961), Lệ Thuỷ (1961) thuộc xã Bình Thông nay là Bình Trị hầu
như đã đổ nát.
Riêng tại Bình Hải, Cha Gioan Baotixita Nguyễn Thế Thiệp Dòng
Chúa Cứu Thế đã tình nguyện về đây để tiếp nối và mở mang cánh đồng
truyền giáo. Lúc bấy giờ con đường bộ từ Châu Ổ về Bình Hải khoảng
20 km nhưng không bảo đảm an ninh, các cha phải dùng đường thủy, khó
khổ và xa hơn đường bộ gấp ba lần. Từ Châu Ổ đến bến ghe Bình Thạnh
rồi ra cửa Sa Cần, vượt qua biển phía Đông vũng Quít nay là Dung
Quất, qua mũi Nam Châm rồi men theo bờ biển vũng Việt Thanh, vịnh
Nho Na sẽ đến bờ biển Bình Hải.
Sau nhiều lần cha Thiệp đến Bình Hải nắm bắt tình hình: nhà thờ
cũ đã bị đốt cháy, giáo dân cần điểm qui tụ hôm sớm để kinh lễ thờ
phượng Chúa và củng cố đức tin. Năm 1968, cha Thiệp đã mua hai mảnh
đất của ông Tu Thông và ông Phạm Kề với tổng diện tích 6.800m² tọa
lạc tại xóm III thôn Phước Thiện để xây dựng lại nhà thờ, mở trường
dạy học Thiện Mỹ, lập tủ sách, trại chăn nuôi, sân bóng đá, nhà
hướng nghiệp (y tế và nghề may).
Đến năm 1969, nhà thờ với mái tôn và vách cũng được dừng bằng tôn,
nhà hướng nghiệp, trại chăn nuôi đã tạm xong. Cha Gioan Baotixita
Nguyễn Thế Thiệp được bổ nhiệm lo công việc giáo dục tại trường
Trung Học tư thục Phụng Sự ở Châu Ổ và trường trung tiểu học Tiến Bộ
tại xã Bình Thạnh. Cha Micae Trương Văn Hành được bổ nhiệm lo công
việc mục vụ tại Bình Hải và xúc tiến xây dựng các cơ sở khác. Cuối
năm 1969, trường Thiện Mỹ dành cho học sinh từ lớp một đến lớp bảy
được hoàn thành. Thầy cô giáo là những thầy cô ở các xã trong vùng,
chỉ có cô Hồng, cháu của cha Hành từ Ông Đồn, Long Khánh về ở đây
phụ trách lớp 6. Đặc biệt có thầy Giuse Phạm Đức Triêm, trợ sĩ Dòng
Chúa Cứu Thế, thầy đến đây với cha Thiệp và ở lại với cha Hành lo
cho dân. Thầy lo nhà hướng nghiệp, lo trại chăn nuôi heo để lấy kinh
phí trang trải các nhu cầu, giúp đỡ người nghèo, nhất là các gia
đình có chồng “nhảy núi”, vợ ở nhà nghèo khổ nuôi con, thầy giúp cho
những con em trong các gia đình nghèo khổ nầy được đi học. Hiện nay
một số người trong làng còn thương nhớ thầy, làm giỗ cho thầy vào
ngày 05 tháng 6 hằng năm. Công việc sinh hoạt diễn tiến tốt đẹp cho
đến năm 1972, chiến tranh lại bùng nổ trên diện rộng và âm ỉ kéo dài.
Tình hình an ninh trong vùng bất ổn. Cư dân ở đây phải di cư nơi
khác để tránh bom đạn.
Năm 1975, khi hòa bình vãn hồi, dân cư trở về bám làng bám biển,
ổn định đời sống gia đình. Trong hoàn cảnh xã hội mới, nhà thờ đã
sập đổ, các cha Dòng Chúa Cứu Thế từ Châu Ổ không thể về dâng lễ cho
bà con giáo dân. Khi mới hồi cư về, chỉ có một số rất ít người,
khoảng năm, mười người, âm thầm, lén lút cải trang làm người buôn
bán cá hoặc người đi làm ruộng để đến nhà thờ Châu Ổ dâng lễ Chúa
Nhật hoặc các lễ trọng đặc biệt như lễ Phục Sinh và lễ Chúa Giáng
Sinh. Sau vài năm, tình hình tương đối thoáng dịu. Tuy nhiên đường
xa cách trở và thiếu phương tiện giao thông để đến Châu Ổ nên bà con
giáo dân vẫn âm thầm sống đạo.
Trong hoàn cảnh sống đạo đầy khó khăn này, một số anh chị em tự
quy tụ lại trong các gia đình để hâm nóng và nâng đỡ đức tin cho
nhau bằng việc đọc kinh cầu nguyện chung và làm việc bác ái. Chính
nhờ những nỗ lực nầy mà đức tin của cộng đoàn tín hữu Bình Hải được
duy trì trong một thời gian khá dài, gần 20 năm.
Năm 1993, được sự hướng dẫn của cha Gioan Baotixita Nguyễn Thế
Thiệp, nhóm anh em giáo dân thiện chí trong cộng đoàn: Phanxicô
Xaviê Lê Việt Hải, Phêrô Lê Đắc Hòa, Phêrô Mai Xuân Ảnh, Phanxicô
Xaviê Bùi Hồng Anh, Gioan Võ Tấn Xuân, Phaolô Tu Đình Long, Phanxicô
Xaviê Bùi Anh Phụng, Phanxicô Xaviê Bùi Khánh…cùng nhau đứng tên,
làm đơn xin tái thiết nơi thờ tự. Sau nhiều lần đại diện giáo dân
tiếp xúc và bày tỏ nguyện vọng với các cấp chính quyền, ngày 15
tháng 11 năm 1995, UBND huyện Bình Sơn có văn bản gởi cho UBND tỉnh
Quảng Ngãi về việc thống nhất nguyện vọng của bà con. Ngày 07 tháng
02 năm 1996, UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận cho bà con giáo dân xây
dựng lại nhà thờ Bình Hải trên nền nhà thờ cũ. Lúc bấy giờ và cho
đến nay, khuôn viên nhà thờ còn lại rất hẹp, vì sân nhà thờ được làm
nơi họp chợ của bà con trong vùng, lại nữa trong khuôn viên đất nhà
thờ cũ có 17 gia đình làm nhà định cư.
Sau khi được phép của UBND tỉnh Quảng Ngãi và sự giúp đỡ của dòng
Chúa Cứu Thế tại Châu Ổ, bà con giáo dân nô nức san lấp mặt bằng nhà
thờ đã bị bom trong chiến tranh, dựng lại ngôi nhà thờ bằng những
vật liệu đơn thường, cột kèo bằng gỗ bạch đàn, mái lợp tôn, vách có
chỗ bằng tôn hột mè cũ, có chỗ được che bằng những mảnh gỗ nhỏ đủ
loại không đều nhau được thu nhặt rồi ghép lại. Nhà thờ không sang
trọng, không kiên cố nhưng thực diễn mầu nhiệm nhập thể, dân ở sao
Chúa ở vậy với dân. Nhà thờ được khánh thành vào ngày 21 tháng 4 năm
1996. Kể từ đây hằng tuần có cha Thọ về dâng lễ Chúa nhật và các
thánh lễ an táng khi có người qua đời.
Ngày 18 tháng 9 năm 1996, thầy phó tế Giuse Phạm Minh Hảo đang
giúp tại cộng đoàn Châu Ổ thụ phong Linh mục. Cha Giuse Phạm Minh
Hảo được cộng đoàn Châu Ổ phân công quản nhiệm nhà thờ Bình Hải từ
sau khi thụ phong Linh mục cho tới tháng 10 năm 2013. Khi nhà thờ
được hình thành, thánh lễ được cử hành thường xuyên, đức tin của
cộng đoàn được hồi sinh, nhiều tín hữu yếu đuối nguội lạnh được hâm
nóng. Ngoài công việc phụng vụ hằng ngày, cha Hảo thường để tâm làm
việc bác ái xã hội. Đây là một hoạt động trọng yếu của giáo xứ.
Sau một thời gian dấn thân phục vụ tại Bình Hải, cha Hảo được Bề
trên bổ nhiệm phục vụ ở nơi khác. Cha Gioakim Nguyễn Quang Minh
thuộc cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ đến thay cha Hảo.
Ngày 12.01.2014, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi thành lập giáo
họ biệt lập Bình Hải đồng thời bổ nhiệm cha Gioakim Nguyễn Quang
Minh làm phó xứ giáo xứ Châu Ổ, đặc trách biệt lập giáo họ Bình Hải.
Ngày 24.11.2017, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi thành lập giáo
xứ Bình Hải và bổ nhiệm cha Gioakim Nguyễn Quang Minh làm cha sở
giáo xứ Bình Hải.
III. HIỆN TÌNH NHÂN SỰ (cuối năm 2016)

IV. LINH MỤC – TU SĨ XUẤT THÂN TỪ GIÁO
XỨ:
Nữ tu Matta Lê Thị Quỳnh My – Ánh Sáng Phúc Âm
......................
[1] DANIELLO BARTOLI, Dell' Istoria Della Compagnia Di Gesù La
Cina, Vol. 18, Terza Parte, Libro Quarto, Torino 1825, trang 218.
[2] VÕ LONG TÊ, Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam, cuốn I, Nxb.
Tư Duy, Sài Gòn 1965, tr. 180-183.
[3] ADRIEN LAUNAY, Historie de la mission de Cochinchine, Paris
2000, III, trg. 506-520
[4] Thông tin Địa Phận số 35, trang 39
Tác giả bài viết: Ban Biên Soạn Lịch Sử Giáo phận (25/11/2017)
Nguồn :
Website GP
Quy Nhơn
Chi tiết bổ sung xin gởi về
giaoxugiaohovietnam@Yahoo.com

|
|