Giáo phận Quy Nhơn

Nhà thờ Giáo xứ Ngọc Thạnh

 

Nhà thờ Giáo xứ Ngọc Thạnh
Giáo hạt Bình Định

 

Địa chỉ : tổ 1, Khu vực 9, Phường Trần Quang Diệu, Thành phố Qui Nhơn, Tỉnh Bình Định  ( Bản đồ )

Chánh xứ : Linh mục Phêrô Nguyễn Công Sanh (16/6/2014)
Phó xứ     : Linh mục

Tel

056-374-1685

E-mail

 

Năm thành lập

1927       -     Nhà thờ xây dựng : 1963

Bổn Mạng

Đức Mẹ Hồn xác Lên Trời (15/8)

Số giáo dân

2.886

Giờ lễ

Chúa nhật     : 5:45  -  9:00  -  17:45

Ngày thường : 17:30

Giờ lễ có thể thay đổi theo mùa hay mục vụ của Gx. Xin xác nhận trước  khi đi lễ

Các nhà thờ lân cận :   Gh Đại Hội  -  Gh Nhơn Mỹ   -   Gh Sông Cát  -  Gh Tân Lập -  Gh Tân Vinh  -   Gh Vân Canh  -

Tư liệu :  Lược sử Giáo xứ - Hình ảnh Giáo xứ 

-  Tin tức sinh hoạt

* Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời - Bổn Mạng Giáo Xứ Ngọc Thạnh (15/8/2016)
* Canh Thức và Lễ Giáng Sinh tại Gx Ngọc Thạnh (24/12/2015) * Thánh lễ Dâng Hoa Đầu Tháng Đức Mẹ Tại Ngọc Thạnh (2/5/2015)
* Thánh lễ bổ nhiệm Linh mục Phêrô Nguyễn Công Sanh tân chánh xứ Ngọc Thạnh (16/6/2014)
* Thánh lễ tạ ơn 50 năm nhà thờ giáo xứ Ngọc Thạnh (28/8/2013)
* Giáo xứ Ngọc Thạnh chầu Thánh Thể (2/6/2013)
* Hình ảnh Giáo xứ Ngọc Thạnh Dâng Hoa Khai Mạc Tháng Hoa Đức Mẹ (1/5/2012)

 

Lược sử Giáo xứ Ngọc Thạnh

Nguồn : Website GP Quy Nhơn - 29/07/2019

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Địa bàn mục vụ giáo xứ Ngọc Thạnh gồm các giáo họ : Ngọc Thạnh, Long Vân, Đại Hội và Thăng Bình. Địa bàn hành chánh gồm: phường Trần Quang Diệu, thành phố Qui Nhơn và xã Phước An, xã Phước Thành huyện Tuy Phước.

 

Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Ngọc Thạnh, tổ 1, khu vực 9, phường Trần Quang Diệu, thành phố Qui Nhơn.

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

1. Nguồn gốc

Giáo xứ Ngọc Thạnh ngày xưa gọi là địa sở Cây Da. Trong dòng lịch sử truyền giáo của Giáo phận Qui Nhơn, tại tỉnh Bình Định, nhắc đến Cây Da là nhắc đến một giáo điểm truyền giáo lâu đời bên bờ sông Hà Thanh, là một “cây cổ thụ” trong cánh đồng truyền giáo của Giáo phận.

Trong danh sách nhà thờ nhà nguyện năm 1747 do cha Guillame Rivoal ghi phần thừa sai Paris phụ trách vùng Nam Bình Định thì Cai-doa (Cây Da) có 100 tín hữu.1

Trong báo cáo gởi cho Hội Thừa sai Paris năm 1850, Đức cha Stêphanô Cuénot Thể ghi: Cây Da có 128 tín hữu và Sông Cát có 175 tín hữu. Tại thời điểm nầy, Cây Da cũng như Sông Cát, là giáo điểm thuộc Làng Sông.

Năm 1890, cha Tađêô Tín, cha phó Làng Sông, ở tại Sông Cát. Cha tái lập họ đạo Cây Da đã bị Văn Thân tàn phá vào năm 1885, lập họ đạo Đất Vỡ (Tân Lập), Thăng Bình.

Năm 1900 cha về quê nhà Phú Thượng (Quảng Nam) nghỉ hưu một thời gian, sau đó cha vào ở nhà hưu dưỡng linh mục tại Đại An và qua đời vào ngày 08 tháng 08 năm 1918 tại Đại An. 2

Tiếp theo cha Tín, có các cha phó Làng Sông - Tân Dinh đến làm việc tại Cây Da :

Cha Antôn Bản (1900-1902), cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sanh (1902- 1907).

Năm 1905 Đức cha Grangeon Mẫn đã làm phép nhà thờ Cây Da, lúc bấy giờ Cây Da là trung tâm thứ hai của vùng Làng Sông-Tân Dinh.3 Nhà thờ Cây Da nằm trong thôn Ngọc Thạnh, xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Tiếp theo là cha Gioakim Phan Văn Đến (1907-1910), cha Marinô Tú (1910- 1911), cha Gioan Baotixita Phan (1911-1912), cha Gioakim Nguyễn Lịch (1913- 1914), cha Phêrô Lê Châu (1917-1919). Năm 1917 cha Châu kiêm cả họ đạo Gò Duối và Tùy Lực thuộc Sông Cầu, Phú Yên. Sau đó đến lượt cha Grêgôriô Chọn (1923-1924), cha Gioakim Phan Công Sử (1925-1926), cha Simon Tôn (1927-1930).

2. Thành lập địa sở Cây Da

Năm 1927, địa sở Cây Da được thành lập với 8 họ đạo được tách từ địa sở Tân Dinh. Cha Simon Tôn được bổ nhiệm làm cha sở tiên khởi. Lúc bấy giờ địa sở Cây Da gồm 8 họ đạo: Cây Da có 74 tín hữu , Sông Cát 124, Thăng Bình 54, Đất Vỡ 55, Phú Trung 119, Tân Vinh (Mộ) 98, Đại Hội 24, Phú Tài 20.4

3. Địa sở Cây Da đổi tên thành Ngọc Thạnh

Trong thời cha Bênêđictô Nguyễn Đình Hiến (1930 - 1941), địa sở Cây Da được đổi tên thành Ngọc Thạnh, theo tên gọi của thôn có nhà thờ tọa lạc. Cha Hiến vừa làm cha sở Ngọc Thạnh, vừa kiêm chủ bút tạp chí Lời Thăm của Giáo phận Qui Nhơn.

1 Xem ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine,II, sđd., tr. 189.
2 Xem Mémorial Mission de Quinhon, No. 141, 10 Juillet 1918, tr. 125.
3 Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1905.
4 Xem Mémorial Mission de Quinhon, du mois d' Août 1927, tr. 86.

 

Năm 1941, cha Phanxicô Nguyễn Quang Hiền về làm cha sở Ngọc Thạnh. Cha lập họ đạo Nam Thạnh tại phía Nam đầu cầu Diêu Trì, do có nhóm giáo dân gốc Nam Bình đến sinh sống.

Sau hiệp định Genève, phong trào truyền giáo rất mạnh trong Giáo phận. Năm 1960 số giáo dân Ngọc Thạnh lên đến 3.000, mà ba phần tư là tân tòng. Ngày 21 tháng 03 năm 1960, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đã ban Bí tích Thêm sức tại Ngọc Thạnh cho 154 tân tòng và trẻ em.

Năm 1961-1962, trong thời cha Gioakim Đoàn Kim Hiền làm cha sở Ngọc Thạnh (1961-1964), do tình hình an ninh bất ổn, cha sở và giáo dân từ Ngọc Thạnh, xã Phước An, di cư về giáo họ Nam Thạnh thuộc thôn Thế Thạnh, xã Phước Thạnh, nay là khu vực 9, phường Trần Quang Diệu, thành phố Qui Nhơn. Lúc mới di cư đến, cha Hiền tạm dùng các cơ sở đơn nghèo sẵn có của giáo họ Nam Thạnh làm cư sở và làm nơi sinh hoạt phụng vụ của giáo xứ. Nhà thờ giáo họ Nam Thạnh được xây dựng trên phần đất do gia đình ông biện Tiến dâng cúng.5

Một thời gian sau, nhận thấy tình hình an ninh không thể trở về Cây Da được, cha Hiền đã trưng đất và xây một nhà vuông vững chắc bằng gạch, lợp ngói (30m x10m, cao 8m, 3 phòng). Năm 1963, cha cho mở móng xây dựng nhà thờ tại vị trí ngày nay.

Năm 1965, cha Augustinô Nguyễn Thanh Long, cha sở Nam An, kiêm nhiệm Ngọc Thạnh, tiếp tục việc xây dựng nhà thờ mới. Cũng năm ấy, cha Augustinô Nguyễn Thanh Huệ (1965-1968 ), em ruột cha Long, được bổ nhiệm làm phó xứ Nam An, đặc trách Ngọc Thạnh, cha hoàn thành công trình kiến thiết nhà thờ Ngọc Thạnh với sự giúp đỡ của cha Giuse Nguyễn Sồ, Quản lý Giáo phận. Nhà thờ mới nầy có chiều dài 45m x rộng 10m x cao 13m, có hành lang rộng 2 bên. Tháp cao 30m nhìn thẳng ra quốc lộ số 1. Lòng nhà thờ chưa kịp lát gạch và cũng chưa tráng xi măng, với 67 bộ bàn ghế gỗ ngo. Cha Huệ cũng xây dựng một trường tiểu học tại Ngọc Thạnh.

Những năm 1965 - 1966 số giáo dân giáo xứ Ngọc Thạnh có lúc lên đến cao điểm trên 5 ngàn người, đa số là giáo dân tị nạn chiến tranh từ các nơi khác đến như: Quảng Ngãi, Bồng Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, An Khê... 5

5 Sau khi mở rộng đường quốc lộ, hiện nay nền nhà thờ nầy còn một lô đất trống.

Sau khi mở rộng đường quốc lộ, hiện nay nền nhà thờ nầy còn một lô đất trống. Năm 1968, cha Phêrô Nguyễn Quang Báu, nguyên là cha phó Chánh tòa Qui Nhơn được bổ nhiệm làm cha sở Ngọc Thạnh. Cha mở rộng trường tiểu học, đóng trần nhà thờ bằng tôn, xin các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn về giúp xứ.

Năm 1971 cha Báu được bổ nhiệm làm cha sở Bồng Sơn và cha Simon Huỳnh Tấn Công, nguyên là cha giáo Tiểu chủng viện Qui Nhơn, được bổ nhiệm làm cha sở Ngọc Thạnh. Thời cha Công, giáo xứ Ngọc Thạnh có thêm 2 giáo họ là Nhơn Mỹ và An Thạnh, trước đó thuộc giáo xứ Công Chánh.

Đầu năm 1975, theo lịch Giáo phận, giáo xứ Ngọc Thạnh có 2.306 giáo dân trong 17 giáo họ: Ngọc Thạnh (Nam Thạnh cũ ), Cảnh An, Tân Lập, Quang Hiển, Tân Vinh, Tăng Phúc, Tăng Hòa, Thanh Long, Mỹ Lợi, Thăng Bình, Thanh Huy, Qui Hội, Đại Hội, Sông Cát, An Thạnh, Nhơn Mỹ và Long Vân.

Ngày 11 tháng 06 năm 1975, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các bổ nhiệm cha Luca Nguyễn Huy Kỳ, nguyên là chánh xứ Phú Thạnh, về làm chánh xứ Ngọc Thạnh. Cha Kỳ cố gắng giữ các sinh hoạt mục vụ nơi các giáo họ trong hoàn cảnh xã hội mới. Đến hồi thuận tiện, cha đã cho xây dựng nhà ở cho công đoàn các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn giúp xứ (năm 1996); tu sửa các nhà thờ Ngọc Thạnh, Phú Thạnh, Vân Canh, Sông Cát; xây nhà đa dụng tại Ngọc Thạnh (1998 ), diện tích 168m2 .

Họ đạo Thăng Bình được cha Tađêô Tín thành lập trong thời ngài ở tại Sông Cát (1890-1900). Nhà thờ cha Tín xây dựng đã bị bão làm sụp đổ. Năm 1967, cha Augustinô Nguyễn Thanh Huệ xây dựng một nhà thờ mới sát đường liên tỉnh lộ 6, nay là quốc lộ 19C. Năm 1972, do chiến tranh, giáo dân ở đây đã di cư. Sau năm 1975, hầu hết họ không trở về, chỉ một vài gia đình hồi cư. Địa phương trưng dụng nhà thờ này làm Hợp tác xã, nay đã làm trụ sở UBND xã Phước Thành.

Chúa nhật, ngày 25 tháng 01 năm 2004, nhằm ngày mồng bốn Tết Giáp Thân, cha Luca Nguyễn Huy Kỳ được bổ nhiệm làm cha sở Phú Thạnh. Cùng ngày, cha Antôn Pađôva Trần Liên Sơn được bổ nhiệm làm cha sở Ngọc Thạnh.

Sau 40 năm xây dựng, nhà thờ Ngọc Thạnh có những hạng mục cần được tu sửa, cha Sơn đã làm mới cung thánh, lát nền cung thánh bằng đá granite, xây mới phòng thánh. Ngoài ra, trong khuôn viên nhà thờ cha cũng xây dựng một quần thể gồm nhà giáo lý, hang đá Đức Mẹ, đài Thánh Giuse, tượng đài Lòng Chúa Thương Xót. Nhà thờ Sông Cát, Nhơn Mỹ được tu sửa, nhà xứ Vân Canh được xây dựng.

 

Ngày 08 tháng 08 năm 2008, giáo xứ Ngọc Thạnh tổ chức mừng 80 năm hành trình sống đạo. Nhân dịp nầy, trong tinh thần ôn cố tri tân, nhớ ơn tiên nhân, cha Tađêô Tín được nhắc đến là một linh mục thánh thiện, tháo vát, dày công với vùng đất Cây Da, Đất Vỡ, Thăng Bình của giáo xứ Ngọc Thạnh ngày nay. Hôm ấy cũng là ngày giỗ thứ 90 của ngài.

Ngày 28 tháng 08 năm 2013, cha Antôn Pađôva Trần Liên Sơn tổ chức Thánh lễ Tạ ơn kỷ niệm 50 năm xây dựng nhà thờ Ngọc Thạnh.

Ngày 16 tháng 06 năm 2014, cha Phêrô Nguyễn Công Sanh, nguyên là cha sở Đồng Tiến, được Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi đưa về làm cha sở Ngọc Thạnh.

 

Cha đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của giáo họ Đại Hội. Giáo họ Đại Hội được thành lập trước thời cha Simon Tôn làm cha sở Cây Da (1927-1930). Nhà thờ được xây dựng vào năm 1960 bằng vật liệu thô sơ tại thôn Đại Hội, xã Phước An, huyện Tuy Phước. Năm 1994, bão lớn đã làm sập nhà thờ. Năm 2000, giáo dân đóng góp và xin ân nhân, nhà thờ được dựng lại trên nền cũ, vách bằng cà tăng, mái lợp tranh.

Ngày 20 tháng 10 năm 2017, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi đã ký quyết định tách các giáo họ: Vân Canh, Tân Vinh và Tân Lập từ giáo xứ Ngọc Thạnh để thành lập giáo họ biệt lâp Vân Canh và đặt cha Gioakim Nguyễn Đức Vinh làm quản nhiệm. Cũng ngày hôm ấy, Đức cha ký quyết định thành lập giáo họ biệt lập Sông Cát, gồm các giáo họ Sông Cát, Luật Lễ, An Thạnh, Nhơn Mỹ, tách ra từ giáo xứ Ngọc Thạnh, và bổ nhiệm cha Luy Nguyễn Xuân Vũ làm quản nhiệm.

Tại giáo họ Đại Hội, thay cho ngôi nhà thờ tạm mái tranh, vách cà tăng, một ngôi nhà nguyện đã được xây dựng bằng vật liệu rắn chắc. Vì hoàn cảnh khó khăn do chính quyền địa phương, công trình xây dựng không được liên tục, nhưng cuối cùng đã hoàn thành trong năm 2018. Hiện nay hằng ngày giáo dân đến nhà nguyện đọc kinh tối, nhưng chưa thể cử hành thánh lễ tại đây được.

 

Về phần nhà thờ giáo xứ, trước lễ Phục sinh năm 2019, toàn bộ nội thất nhà thờ đã được đổi mới: cung thánh được thiết kế lại, nhà tạm mới, 14 chặng đàng thánh giá mới, thay mới toàn bộ nền gạch và hệ thống ánh sáng trong nhà thờ. Ngoài việc đổi mới nội thất nhà thờ, nhà cha phó cũng được tu sửa lại khang trang hơn.

Cuối năm 2018 giáo xứ Ngọc Thạnh có 615 gia đình, 1.917 tín hữu, được phân bố trong 4 giáo họ: Ngọc Thạnh 1.667, Long Vân 104, Đại Hội 105, Thăng Bình 41.

4. Các cha sở và cha phó

- Các cha sở

1. Cha Simon Tôn (1927-1930).
2. Cha Bênêđictô Nguyễn Đình Hiến (1930 - 1941).
3. Cha Phanxicô Nguyễn Quang Hiền (1941 - 1950 ).
4. Cha Anrê Nguyễn Văn Tường (1950 - 1955).
5. Cha Phêrô Nguyễn Kỳ Hội (1955 - 1957).
6. Cha Matthêô Trịnh Hòa Đại (1957 - 1961).
7. Cha Gioakim Đoàn Kim Hiền (1961-1964 ).
. Cha Augustinô Nguyễn Thanh Long, cha sở Nam An, kiêm nhiệm (1965).
. Cha Augustinô Nguyễn Thanh Huệ, phó xứ Nam An, đặc trách (1965-1968).
8. Cha Phêrô Nguyễn Quang Báu (1968 -1971).
9. Cha Simon Huỳnh Tấn Công (1971-1975).
10. Cha Luca Nguyễn Huy Kỳ (1975-2004).
11. Cha Antôn Pađôva Trần Liên Sơn (2004-2014).
12. Cha Phêrô Nguyễn Công Sanh (2014-...).

- Các cha phó

1. Cha Gioakim Trần Minh Dũng (2001-2003).
2. Cha Antôn Pađôva Trần Liên Sơn (2003-2004).
3. Cha Giuse Nguyễn Văn Thành (2008-2012).
4. Cha Matthêô Nguyễn Ngọc Vũ (2010-2014).
5. Cha Luy Nguyễn Xuân Vũ (2013-2014), ở tại Vân Canh (2014-2017).
6. Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Đình Quốc (2015-2019).
7. Cha Phêrô Phan Chí Anh (2019-...).

5. Linh mục tu sĩ xuất thân từ giáo xứ

1. Cha Phêrô Ngô Đức Dũng, Hoa Kỳ.
2. Nữ tu Anna Ngô Thị Ngọc Thu, Dòng MTG Qui Nhơn.
3. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Kim Liên, Dòng MTG Qui Nhơn.
4. Nữ tu Maria Mađalêna Đỗ Thị Ngọc Hoan, Dòng MTG Qui Nhơn.

Nguồn : Website GP Quy Nhơn - 29/07/2019

 

Xem thêm :

Lược sử Giáo xứ Ngọc Thạnh
Nguồn : Linh mục Antôn Pađôva Trần Liên Sơn
Chánh xứ Gx Ngọc Thạnh (2004-2014)


Hình ảnh nhà thờ Giáo xứ Ngọc Thạnh

Xem thêm

Hình ảnh Thánh lễ bổ nhiệm Linh mục Phêrô Nguyễn Công Sanh tân chánh xứ Ngọc Thạnh (16/6/2014)

Hình ảnh Giáo xứ Ngọc Thạnh Dâng Hoa Khai Mạc Tháng Hoa Đức Mẹ (1/5/2012)

 

 

 

Hang đá Đức Mẹ

 

Nhà sinh hoạt giáo lý

 

Đền Thánh Giuse

 

 

 

Cha Antôn Pađôva Trần Liên Sơn - chánh xứ Gx Ngọc Thạnh (2004-2014)

 

[Trở về đầu trang ]