Đức Mẹ Trà Kê
Trở lại Trà Kê sau hơn 3 năm kể từ ngày Trà kê được nâng lên hàng
Giáo xứ với cha sở đầu tiên của thời kỳ này, cha Phanxicô Assidi
Phạm Đình Triều, nguyên cha phó của giáo xứ mẹ Tịnh Sơn, cách Trà Kê
về hướng Nam gần 30 cây số (Nhận xứ 27.5.2009)
30 cây số, khoảng cách địa lý không xa lắm nhưng để đến được nơi
đây trong những ngày đầu tái lập giáo điểm, sau 1975, không đơn giản
chút nào, nhà thờ tranh bị cháy mất từ 1961, chỉ còn lại nền nhà thờ
trơ trụi… Làm sao? Cách nào? Để gặp gỡ, chăm sóc, ủi an đàn chiên
vừa tan đàn mới qui tập về, những con chiên vốn rất nhạy cảm với
tiếng động của đạn bom, tiếng lách cách mở cửa giữa đêm khuya… sợ…
và sợ lắm, rất cần những băng bó và Chúa đã yêu quí Trà Kê cách đặc
biệt khi Thiên Chúa giữa lại cho vùng đất này một chủ chăn hết lòng
vì đàn chiên, linh mục Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên, khó tìm thấy một
linh mục thánh thiện và yêu quí đàn chiên nào hơn ngài.
Nói về hôm qua để cảm ơn những người đi trước nhất là giai đoạn
sau 1975 và cũng để vui mừng vì sự chững chạc trong sinh hoạt đức
tin của Trà Kê từ khi được nâng lên thành giáo xứ.
.JPG)
Chúng tôi trở lại đây cũng đúng dịp lễ kính thánh Phanxicô Assidi,
một vị thánh có đời sống khó nghèo, có lòng khiêm tốn, luôn dấn thân
phục vụ bằng trái tim an bình để chúng tôi hiểu được phần nào những
mầm sống đức tin đang trổi dậy của Trà Kê hôm nay qua hình ảnh của
cha sở Trà Kê, người mang tên vị thánh trẻ mà Giáo hội mừng kính
(04.10).
Chúng tôi không biết gì về hình dạng của thánh nhân vì ngài sinh
ra trước chúng tôi mấy trăm năm nhưng chúng tôi được Giám mục giáo
phận – Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi tả lại bức tượng F. Assidi ở
Rôma bằng những nét vẽ hao hao giống cha sở Trà Kê hôm nay để minh
họa cho lời cám ơn của ngài trong tư cách giám mục với các linh mục
thuộc quyền, khi các linh mục chăm chỉ trong khiêm tốn, trong phục
vụ, trong khó nghèo, trong an bình… một cách xuất sắc. Xin được chia
vui và mừng ngày bổn mạng của cha.
Trở lại với địa danh Trà Kê, chúng tôi thắc mắc: Trà Kê nghĩa là
gì trong cách đặc tên của những địa danh mà cách đặc tên thương theo
đặc điểm hay ước mong của một vùng đất nào đó như họ đạo Cây Da vì
nơi đây có cây da lớn, hoặc như Tịnh Sơn, Hoa Châu của hạt Phú Yên;
Nước Mặn, Nước Nhỉ thuộc Bình Định… địa danh nào cũng hiểu được, còn
Trà Kê, trước đây còn gọi là Trà Khê, có người bảo rằng nó có anh em
với rất nhiều TRÀ thuộc Quảng Ngãi như Trà Sơn, Trà Bồng, Trà Lĩnh,
Trà Mi… hoặc cũng có thể một nhân vật nào đó tên Kê (Khê) thuộc dòng
họ Chăm: Ung Ma Trà Chế đã có mặt nơi đây từ xa xưa.
Thôi, chúng ta dành phần trả lời cho những nhà nghiên cứu… Chúng
ta chỉ biết rằng tên Trà Kê hôm nay không nằm trong hệ thống hành
chánh của nhà nước.
Giáo phận và đặc biệt giáo dân nơi đây vẫn duy trì tên Trà Kê:
Giáo xứ Trà Kê, giáo lý viên Trà Kê, ca đoàn Trà Kê, chức việc Trà
Kê… Lưu giữ là tôn trọng truyền thống là yêu quí tổ tiên, là không
quên nguồn cội.
Nhớ Trà Kê là nhớ các thừa sai đã giới thiệu Chúa cho vùng đất
cao nguyên hiếm hoi này.
Nhớ Trà Kê là nhớ máu đổ ra trong thời kỳ Văn Thân của những
người anh em tin Chúa.
Nhớ Trà Kê là nhớ đến những lần thăm mục vụ của các chủ chăn.
Nhớ Trà Kê là nhớ đến những nguyện đường chung quanh Trà Kê mà
ngày đó phân nửa là các anh em dân tộc, họ không chỉ là Y, là Ma mà
đã là Phêrô Ma… Maria Mí
Nhớ Trà Kê là nhớ chiếc xe đạp cọc cạch với nắm cơm cùng gói muối
vừng của cha Nguyễn Cao Hiên.
Nhớ Trà Kê là nhớ đến ngôi nhà thờ bằng gạch ngói, một trong
những công trình thuộc loại lớn nhất vùng cả đời lẫn đạo thời sau
1975 được xây dựng bằng tất cả thao thức của cha Phêrô Nguyễn Cấp.
Nhớ Trà Kê là nhớ các chủ chăn đã bỏ mình vì đàn chiên mà cụ thể
là hài cốt của cha F. Assidi Chatelet, hiện đang nằm cạnh hang đá
Đức Mẹ mới dựng nên của xứ đạo.
Không biết vì vô tình hay có sự sắp đặt nào đó để cho hệ thống
nhà tù của Phú Yên trước đây cũng như hiện nay nhiều nơi gần nhà thờ.
Nếu A 30 gần giáo xứ Hoa Châu; A 20 gần giáo xứ Đồng Tre thì trước
đây (1940 – 1945) nhà tù Trà Kê nằm gần nhà thờ Trà Kê. Phải chăng
tiếng chuông giáo đường mỗi sáng, mỗi chiều, tiếng cầu kinh của các
tín hữu giúp an ủi nỗi cô đơn, làm tịnh tâm, thêm sức lực, gia tăng
niềm hy vọng cho mỗi người tù khi gặp khốn khó, cô đơn…
Chúng ta tin rằng cha Hiền (bạn của cha Ngô Đình Thục?) theo lời
kể của nhà thơ Nguyên Vỹ, người Quảng Ngãi cùng bị giam tại Trà Kê
năm 1942 (x. Trà Kê của Trần Sĩ Huệ) khi bị giam tại ngục Trà Kê
(1940 – 1945) và các linh mục khác bị giam giữ nơi các trại tù khác
sau này đã dâng thánh lễ mỗi ngày qua những giờ chuông đó
Nhớ Trà Kê cũng là nhớ sức mạnh của lời cầu nguyện âm thâm nhưng
hiệu quả trong những chao đảo và lung lay của phận người yếu đuối
nay được hát vang trước hang đá Đức Mẹ vừa được Đức giám mục giáo
phận thánh hiến: “Con dâng Mẹ đây tâm hồn đây trí khôn, cả dĩ vãng,
cả hiện tại với tương lai”, người tín hữu Trà Kê đã tựa vào lòng Mẹ
để nói với Mẹ rằng: “Mẹ chính là Nữ vương, là trạng sư, là Mẹ con”.
Hãy đến với Đức Mẹ Trà Kê nơi có dòng suối biểu tượng ơn phúc
tuôn tràn để nhận lấy ơn lành Mẹ ban nhất là ơn luôn bền đỗ giữ đạo
Chúa đến cùng.
Nhìn Trà Kê hôm nay để thấy Gò Duối, Hóc Gáo, Đa Lộc, Sông Cầu… (hạt
Phú Yên)… đang hồi sinh; để nhớ Trà Câu, nhớ Lý Sơn, nhớ Kỳ Tân (hạt
Quảng Ngãi) đang thức giấc; nhớ Gia Hựu, Suối Nổ… (hạt Bình Định)
trong luyến tiếc khôn nguôi về một trong những xứ đạo sầm uất thuở
nào…
Còn, còn nhiều lắm những khúc ruột cần cắt ra cho ngày mừng 400
năm Tin mừng đến với Giáo phận để đến lúc đó chúng ta cùng lặp lại
lời các tín hữu Trà Kê cùng khách hành hương từ già đến trẻ câu
thánh vịnh: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv. 118) trên
ngọn đồi cao của sân nhà thờ thơ mộng và thánh thiện này.
Nhân ngày thánh hiến hang đá Đức Mẹ Trà Kê – 04.10.2012
Trần Tuy Hòa
Nguồn :
http://www.ghphuyen.com/
Nguồn :
Website GP
Quy Nhơn |