|

Lược
sử Giáo xứ Lập Thạch
Giáo xứ Lập
Thạch: Thánh địa cổ kính và giàu tiềm năng
|
Thánh đường Lập
Thạch |
Giáo xứ Lập Thạch, một xứ đạo nằm
trong hạt Cửa Lò, thuộc xã Nghi Thạch, Nghi Lộc, Nghệ An, cách tòa
giám mục Xã Đoài gần 20 km về phía Đông Nam, chỉ có độ 4.000 tín hữu
và nằm trong một vùng thuần nông thôn, nhưng đó lại là một vùng “đất
thánh” cổ kính và đang hứa hẹn một tương lai cả về đời sống tinh
thần lẫn vật chất.
VÙNG ĐẤT THÁNH
CỔ KÍNH
Trước hết, từ “thánh địa” hay “đất thánh” nơi đây, chúng tôi muốn
hiểu ở hai khía cạnh: nơi hạt giống Tin Mừng được gieo và nơi có
vị thánh đã cư ngụ, hoạt động.
Theo niên giám giáo phận Vinh, thì giáo xứ Lập Thạch chỉ mới được
thành lập năm 1919 tách từ giáo xứ Làng Anh. Nhưng theo như truyền
thống người tín hữu nơi đây và cũng có những chứng cứ lịch sử khả
tín, thì Lập Thạch đã từng là một giáo xứ lớn mạnh hồi tiền bán
thể kỷ XIX.
Quả thật, trong bản phúc trình cho Tòa thánh năm 1844, Đức giám
mục Retord (Liêu) đã nói đến “Đá Dựng” với 5.330 tín hữu; và năm
1853, giáo xứ này đã sinh ra hai người con là xứ Làng Anh và Lộc
Mỹ; sau đó Lộc Mỹ đã sinh ra Tân Lộc (1).
Như thế, nếu từ “Đá Dựng” ở đây được hiểu theo nghĩa Hán là Lập
Thạch (lập: đứng, dựng. ví dụ: độc lập: tự đứng, đứng riêng; và
trạch: đá), thì Lập Thạch là vùng đất đã đón nhận hạt giống đức
tin trên dưới 200 năm.
Nhưng nếu như thế, thì việc giáo xứ Lập Thạch được thành lập năm
1919 tách từ giáo xứ Làng Anh thì phải hiểu thế nào?
Chúng ta cũng nên biết, khoảng một vài thế kỷ về trước, khi các
thừa sai phương Tây hoạt động truyền giáo ở Việt Nam, thì tên địa
danh của một xứ đạo nào đó thường là để chỉ về một vùng rộng lớn
và nơi đó là trung tâm. Nếu như thế, thì có thể “Đá Dựng” là vùng
đất bao gồm cả Lập Thạch ngày nay, Làng Anh, Lộc Mỹ và Tân Lộc.
Nhưng sau một thời gian, có thể vùng Làng Anh và Lộc Mỹ phát triển
nhanh hơn nên được nâng lên giáo xứ trước. Một giáo họ con lớn
mạnh hơn được chọn làm trị sở của xứ thì cũng là chuyện bình
thường, và vì thế, có thể khi Làng Anh và Lộc Mỹ được tách ra khỏi
Đá Dựng để thành lập giáo xứ, thì Lập Thạch trở thành một họ con
của Làng Anh cũng dễ hiểu.
Nếu như thế, thì đúng Đá Dựng xưa là Lập Thạch ngày nay! Điều này
có thêm phần chắc chắn, khi trong địa bàn của giáo xứ Lập Thạch
đang có hai vách đá của một hòn núi nhỏ mà người dân nơi đây coi
đó như là nguồn gốc địa danh của giáo xứ của họ.
Mảnh đất đã đón nhận lời Thiên Chúa cách đây trên dưới 200 năm đó
đang phát triển ngày một tốt đẹp, nhất là trong đời sống đức tin
và tình liên đới giữa con người với nhau. Chính vì điều này mà
nhiều người đến đây đều cảm nhận được sự linh thiêng, thánh thiện.
Thêm vào đó, vùng đất nơi đây còn là nơi mà thánh tử đạo Phêrô Lê
Tùy từng phục vụ, và nhất là nơi ngọn núi có vách đá sừng sững,
trong đó có một cái hang, mà theo tương truyền của người dân thì
thánh Phêrô Lê Tùy đã từng ẩn trốn một tuần lễ nơi đó trong thời
kỳ cấm cách đạo giáo.
Đền thánh P. Lê Tùy
tại xứ Lập Thạch
Xem thêm :
Chứng nhân đức tin: Thánh
Phêrô Lê Tuỳ, linh mục tử đạo
Trong truyện Ông Phúc Lộc Phêrô cụ Tùy có kể lại rằng: cụ Tùy quê
ở tỉnh Hà Nội, phủ Thường Tín, huyện Thanh Trì, xã Bằng Sở.
Sau khi lãnh nhận chức phó tế tại Nam Định, thì theo Đức cha phó
Hậu (la Mothe) vào xứ Nghệ. Được đức cha Hậu phong chức thầy cả
tại Thọ Kỳ. Sau khi thụ phong linh mục thì ra giúp xứ Đông Thành
và Đá Dựng hơn 15 năm. Kế đó về làm chính xứ Kẻ Đòn (Quy Chính) và
bị bắt đang khi đi ban bí tích cho một bệnh nhân tại giáo xứ
Thượng Nậm ngày nay.
Ngài bị trảm quyết tại Nghệ An vào ngày 11.10.1933; được phong
chân phúc ngày 17.05.1900 và được phong thánh ngày 19.06.1988 (2).
TIỀM NĂNG TINH
THẦN VÀ VẬT CHẤT
Đến với một giáo xứ gần 4.000 tín hữu nơi đây, mặc dù hiện tại
chưa có linh mục quản xứ riêng và đang được cha Raphaen Trần Xuân
Nhàn, quản xứ Làng Anh kiêm nhiệm, nhưng chúng tôi thấy một bầu
không khí sống đạo thật mạnh mẽ.
Trước hết, vào sáng sớm và chiều tối mỗi ngày, dù có cha đến cử
hành thánh lễ hay không, thì thánh đường lúc nào cũng đầy ắp người.
Đặc biệt, như trong Tháng Hoa kính Đức Mẹ này, ngoài việc cung
nghinh tượng Đức Mẹ, dâng hoa kính Ngài như nhiều giáo xứ khác
trong giáo phận, nhiều tín hữu nơi đây còn luôn gắn bó với Đức Mẹ
trong bộ tràng hạt trên tay.
Không chỉ ở nhà thờ, mà nơi nhiều gia đình, nhiều chỗ khác, người
ta thấy lời kinh tiếng hát cũng được vang lên. Đó là sinh hoạt của
các Hội Đoàn trong xứ. Hiện tại Lập Thạch có 4 hội đoàn chính: Hội
Têrêxa với 200 thành viên, hội Legiô với 110 thành viên, hội Khôi
Bình với 70 thành viên và nhóm chia sẻ Lời Chúa với 120 thành viên.
Theo cha Raphaen Nhàn cho biết, các hội đoàn này không chỉ tụ họp
nhau để cầu kinh nguyện ngắm, chia sẻ Lời Chúa và kinh nghiệm sống,
mà họ còn dấn thân trong việc phục vụ bênh nhân, thăm viếng người
nghèo khó, góa bụa, cô độc… Trong đó, nổi bật nhất là nhóm Chia sẻ
Lời Chúa.
Cộng đoàn và
các đoàn thể trong giáo xứ Lập Thạch về mừng
lễ khánh thành nhà
thờ giáo họ Cao Thạch, ngày 8/5/2008
Chắc chắn, với xu hướng hoạt động đó, giáo xứ một ngày một tiến
lên trong đời sống đức tin, thu hút nhiều người gia nhập hội đoàn,
và với xu hướng đưa đạo vào đời, ưa thích những cái cụ thể, các
hội đoàn sẽ ngày một có nhiều hình thức để hoạt động bác ái xã hội,
cũng như hỗ trợ nhau trong công việc hằng ngày.
Thêm vào đó, mặc dù hiện tại Lập Thạch đang là một giáo xứ thuần
nông (trồng lúa, ngô, khoai, lạc, vừng và chăn nuôi gia súc gia
cầm…), nhưng trong tương lai nó sẽ là một vùng nghiêng về hoạt
động dịch vụ nhiều hơn. Sở dĩ như thế là do địa hình của giáo xứ
nằm giữa 3 vùng đô thị: cách thành phố Vinh 8 km về phía Tây Nam,
cách Cửa Lò 8 km về phía Đông Bắc và cách Cửa Hội 10 km về phía
Đông Nam. Với xu thế đô thị hóa, mở rộng vòng đai thành phố, thì
chẳng mấy chốc nơi đây sẽ trở thành vùng định cư của những người
có điều kiện kinh tế, là nơi cho các xí nghiệp, công ty đặt cơ sở
sản xuất. Cụ thể nhất, nơi gần giáo họ non trẻ Cao Trạch, chi
nhánh II Trường Đại học Vinh đang được xây dựng.
Với
xu hướng như thế, đòi hỏi chính người tín hữu nơi đây cũng phải
chuẩn bị để có thể đáp ứng được những đòi hỏi về xã hội và đời
sống đức tin trong tương lai. Điều này, thì ngay ngày hôm nay -
08.05.2008 - mọi người đã thấy được sự chuẩn bị của cha kiêm nhiệm
Raphaen Trần Xuân Nhàn. Với giáo họ Cao Thạch chỉ mới được một
tuổi, và chỉ có 70 nhân danh trên 17 gia đình, nhưng cha vẫn cùng
với bà con nơi đây xây dựng một ngôi thánh đường dài 26m, rộng 9m
và tháp cao 25m. Cha cho chúng tôi hay, mặc dù không có được bao
nhiêu tiền, nhưng cha vẫn phải đi vay mượn để xây dựng. Vì chắc
chắn trong nay mai, khi chi nhánh Trường Đại học Vinh nơi đây hoạt
động, thì ngôi nhà thờ sẽ là chỗ sinh hoạt cho nhiều bạn sinh viên,
sẽ là chỗ để giữ gìn và nâng cao đời sống tinh thần của các bạn
trẻ trí thức.
Cũng với các nhìn về xã hội hóa và khát vọng nhu cầu tâm linh,
người tín hữu nơi đây đang mong
muốn “được phép” tôn tạo hang đá nơi mà tương truyền rằng
cha thánh Phêrô Lê Tùy đã ẩn trú dưới thời cấm đạo. Họ cho rằng,
với địa hình nằm giữa ba vùng đô thị và du lịch, thì nếu nơi thánh
tích đó được tu sửa, mở mang, được sinh hoạt niềm tin thì chắc
chắn sẽ có nhiều du khách đến kính viếng, tham quan. Đến khi đó
thì những dịch vụ đáp ứng cho khách hành hương và người du lịch sẽ
được phát triển, và như thế sẽ nâng cao đời sống vật chất của
người dân. Và không chỉ của người dân, mà như ta hay nói “nước lên
thì thuyền cũng lên; dân giàu nước mạnh”!
Hang đá nơi Thánh P.
Lê Tùy ẩn trốn
Hơn nữa, khi xã hội công nghiệp hóa, thì con người cũng dễ có xu
hướng chạy theo vật chất, và vì vậy, người ta cũng có thể dễ đánh
mất những giá trị nhân bản, tâm linh. Khi đó, nếu người ta được
đứng trước những thánh tích cụ thể, thì sự tác động những giá trị
tinh thần lên con người là rất lớn, sẽ giúp họ thay đổi lối sống
vật chất, tìm lại được niềm vui và bình an trong tâm hồn.
THAY LỜI KẾT
Nếu đúng Lập Thạch nay là Đá Dựng xưa, thì Lập Thạch quả là vùng
đất cổ kính của truyền thống đức tin ở Việt Nam. Vùng đất này càng
trở thành nơi thánh thiêng hơn khi đã từng là nơi hoạt động Tin
Mừng của thánh tử đạo Phêrô Lê Tùy, và sẽ càng trở nên trung tâm
về đời sống tinh thần và nâng cao đời sống vật chất của người dân
nơi đây cũng là của xã hội khi nơi hang đá mà thánh Lê Tùy đã ẩn
trú được tôn tạo, sửa chữa làm thành nơi thánh tích.
Để đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội tương lai, một xã hội đô
thị hóa, thiết nghĩ các tín hữu nơi đây, ngoài việc phải nỗ lực để
theo kịp đà tiến của xã hội, còn cần phải phát triển đời sống đức
tin nhiều hơn nữa, phải có những hoạt động cụ thể để biểu lộ Tin
Mừng thương xót, phải có Chúa trước khi rao truyền Chúa cho người
khác. Không những chỉ người tín hữu, mà thiết nghĩ xã hội cũng nên
hỗ trợ cho người tín hữu, để chính họ cũng góp phần nâng cao kinh
tế cho toàn vùng và góp phần giữ gìn cùng nâng cao những giá trị
nhân bản và tâm linh, nhất là khi thấy trước mắt nhiều bạn trẻ
thiếu đời sống tâm linh đã sống vong thân và làm băng hoại xã hội
như thế nào.
(1) Xc. Trương Bá Cần,
Lịch sử giáo phận Vinh 1946-1996, Tp. HCM 1998, tr. 231-232.
(2) Sđd. tr. 302-303
Hoàn Nguyên
* Nguồn : Trang Web Giáo Phận
Vinh
|
|