
Lược
sử Giáo xứ Song Ngọc
Song
Ngọc là một trong những vùng đón nhận đức tin khá sớm. Năm 1629, có
lẽ những vị thừa sai đã từ biển Đông ngược thuyền dòng sông Thai đến
đây rao giảng Tin Mừng cho người dân xứ Ngọc. Tuy thế, mãi năm 1923
Song Ngọc mới được nâng lên hàng giáo xứ sau khi tách ra từ giáo xứ
Cầm Trường. Hiện nay giáo xứ thuộc hạt Thuận Nghĩa, nằm trên địa bàn
xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An do linh mục Phaolô Nguyễn Văn
Khai phụ trách này gồm bốn giáo họ: Văn Trường, Văn Thai, Ngọc Sơn
và Ngọc Thanh với 2250 tín hữu. Trong gần 380 năm đó và nhất là
trong 85 năm kể từ ngày được thành lập giáo xứ, do hoàn cảnh khó
khăn chung của đất nước và nhất là do sống bằng nghề đánh bắt thủy
sản và làm muối, buôn bán nhỏ nên các tín hữu Song Ngọc chỉ sinh
hoạt niềm tin trong các ngôi nhà thờ nhỏ bé bằng tre lá hay gỗ đá
đơn sơ. Nay, sau hơn hai năm tích cực xây dựng, họ đã hoàn thành cho
mình ngôi thánh đường có chiều dài 51m, rộng: lòng nhà thờ 15 m và
phía trên cung thánh - hai cánh gà 24 m, dome cao 35m và tháp cao
48m.
Ngôi nhà thờ giáo xứ
Song Ngọc được người ta trầm trồ khen ngợi không phải chỉ vì kích cỡ
và chất lượng vật liệu, mà hơn thế nữa là vì lối kiến trúc và ý
nghĩa biểu tượng của nó.
Được xây dựng theo
kiến trúc gothic, những đường vòm và góc nhọn trên trần nhà luôn tạo
cho người ta cảm giác ngôi nhà thờ cao rộng hơn thực tế và đưa hồn
người vi vút, bay bổng lên cao. Thêm vào đó, xung quanh các bức
tường được trang trí bằng 14 cặp cửa kính màu được sản xuất từ Hoa
Kỳ, mỗi cửa khoảng 5m2, làm cho ngôi nhà thờ luôn được chiếu rọi bởi
một thứ ánh sáng lung linh, huyền ảo khiến cho nơi thờ phượng càng
trở nên thiêng liêng, linh thánh; các cặp kính màu đó là những bức
tranh về các mầu nhiệm chính trong đạo Công giáo, về sứ mạng của
Giáo Hội và về xứ sở Song Ngọc, làm cho các tín hữu được nhắc nhớ và
có một cảm nhận sâu xa hơn về các mầu nhiệm trong đạo, được thúc đẩy
để loan báo Tin Mừng cho những người khác, cũng như luôn hăng say
xây dựng xứ đạo ngày một tốt đẹp hơn nữa.
Phía
trên cung thánh, sau bàn thờ, được trang trí bằng những nét hoa văn
tinh tế và sơn mạ màu vàng đã làm tăng thêm vẻ tráng lệ và uy nghi
nơi Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện và phần chính điện của đền thánh.
Không chỉ có thế,
hai bên lối vào cửa chính có hai bức phù điêu cỡ 2m x 3m, một bức
khắc họa Chúa Giêsu đang ngồi bên bờ giếng Gia-cóp nói chuyện với
người phụ nữ Sa-ma-ri và một bức về người cha nhân hậu. Bức thứ nhất
như để nhắc nhớ rằng, mặc dù có ngôi nhà thờ đẹp, nhưng người tín
hữu Song Ngọc phải nhớ lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samaria
để có một thái độ tôn giáo đúng đắn: Giờ đã đến, giờ những kẻ thờ
Thiên Chúa phải thờ trong tinh thân và chân lý (x. Ga 4, 23); và bức
tranh kia là để nhắc nhớ mọi người hãy tin tưởng vào lòng thương xót
Thiên Chúa và luôn biết từ bỏ tội lỗi để trở về với Người (x. Lc 15,
11-31). Và phía trên gác đàn, nơi những ca viên sẽ cất vang những
tiếng hát để ca ngợi Thiên Chúa, bày tỏ tâm tình cầu nguyện cách sâu
xa và cũng là phía đối diện với vị linh mục ngày ngày dâng lễ tế là
một bức phù điêu về thời cánh chung mà Isaia đã nói tới trong chương
11, từ câu 5 đến câu 9, như để nói người tín hữu cần phải tích cực
xây dựng nền hòa bình trên trái đất này và luôn luôn hướng về ngày
Chúa Giêsu trở lại trần thế lần thứ hai.
Nhà thờ với tháp cao
48 m, lại được treo bởi ba quả chuông được đúc tại Pháp, nặng 1 tấn
và tiếng chuông theo hợp âm Eb, khiến cho người tín hữu ngày ngày
dẫu bận rộn việc gì hay đang ở một nơi xa nào của giáo xứ vẫn nghe
được tiếng chuông gọi mời để hướng lòng lên Chúa và hân hoan tìm đến
với giáo đường.
Trích : "Lễ Cung hiến và Khánh thành
Thánh đường Giáo xứ Song Ngọc (29/12/2007)"
Chi tiết bổ sung xin gởi về
giaoxugiaohovietnam@Yahoo.com
