
Lược
sử Giáo xứ Trung Quán
Trung Quán, một thoáng lịch sử *
Trung Quán là giáo xứ nằm ở ngã ba sông Nhật Lệ, nơi
hai nhánh sông Long Đại và Kiến Giang gặp nhau cách Tòa Giám mục Xã
Đoài 240km về phía Nam. Nơi đây là thuộc địa bàn xã Duy Ninh, huyện
Quảng Ninh và là một vùng sơn thủy hữu tình, đất trời hội tụ với
những cảnh đẹp lưu luyến lòng người. Đặc biệt là bề dày lịch sử và
truyền thống Đức tin lâu đời. Trải qua bao thăng trầm chiến cuộc,
bao cấm cách, gian lao, quê hương thánh Tôma Trần Văn Thiện
(1820-1838) vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ.
Giáo điểm Trung Quán xuất hiện rất sớm trong lịch sử
truyền giáo Đàng Trong. Trước năm 1676, nhiều thừa sai đã đến đây
truyền giáo và lập nên họ đạo. Vùng dinh Mười cạnh Trung Quán là một
trong những trung tâm chính trị quan trọng của Đàng Trong nên đã lần
lượt xuất hiện các giáo họ Đại Phong, Dinh Mười, Tam Tòa và Trung
Quán.
Hơn
25 năm sau, đến năm 1690, linh mục Lorensô Lâu được đặt coi sóc tín
hữu Công giáo Quảng Trị và Quảng Bình. Trong thời gian đó, Đức Giám
mục Giáo phận Đàng Trong Phanxicô Pérez đi kinh lược đã ban phép
Thêm sức và rửa tội nhiều tân tòng tại Trung Quán.
Dựa trên báo cáo của linh mục Lorensô Lâu gửi Hội
Thừa sai Paris, Quảng Bình vào cuối thế kỷ XVII có 24 họ đạo và
Trung Quán đã có 140 giáo dân. Như vậy, Trung Quán đã có tuổi đạo
xấp xỉ 335 năm, một quãng thời gian không nhỏ nhưng lắm phen xứ đạo
cổ kính này tưởng chừng như không còn tên trên bản đồ Giáo phận Huế.
Mặc
dù có tên từ lâu nhưng trong sổ bạ chính thức thì mãi đến năm 1923,
giáo xứ Trung Quán mới được thành lập với linh mục Phaolô Nguyễn Văn
Hiển là vị quản xứ đầu tiên. Công trình nhà thờ được khánh thành vào
ngày 10.9.1938. Đây là ngôi nhà thờ lợp ngói đầu tiên của Trung Quán
gồm 7 vai, 8 gian và một cung thánh. Ngoài ra, linh mục quản xứ lúc
đó là cha Phaolô Trần Bá Úy còn lập nhà cho các chị dòng Mến Thánh
Giá, xây dựng nhà xứ, trường học, cô nhi viện, nhà thờ các họ đạo và
lăng mộ kính thánh Tôma Thiện.
Từ năm 1951 đến năm 1954, cuộc chiến Việt Pháp ngày
càng ác liệt, giáo xứ không người coi sóc. Sau hiệp định Giơnevơ,
linh mục GB Lương Văn Thể được sai về quản xứ Trung Quán. Ngài đã
dùng sức lực và tài trí khôi phục phát triển giáo xứ nhưng đến
25.6.1962, ngài qua đời trong cảnh già yếu. Trung Quán một lần nữa
mồ côi, một nỗi buồn vô hạn bao trùm xứ đạo. Cha Trần Quang Nghiêm,
linh mục miền Nam tập kết thỉnh thoảng có đến dâng lễ năm vài lần
nhưng sau vì chiến tranh ác liệt nên đã không thể đến nữa.
Mức
độ khốc liệt của cuộc chiến còn ghi dấu tại Trung Quán là ngôi nhà
thờ tan nát. Giáo dân không còn nơi đọc kinh, cầu nguyện, việc thờ
phượng gián đoạn. Mãi đến ngày 25.12.1990, giáo xứ cử 3 người vào
Ban đại diện. Tư gia của các ông Phêrô Lê Văn Bổn, Giuse Đặng Văn
Sung, Micae Trần Văn Hưng lần lượt trở thành nhà đọc kinh, cầu
nguyện. Hằng năm giáo dân vẫn tìm đến các linh mục ở Phủ Cam, Đại
Lộc nhận lãnh bí tích. Đơn cử như năm 1984, cha Phanxicô Xaviê Lê
Văn Cao dạy dỗ và ban phép rửa tội, thêm sức cho 82 em; 22 cặp vợ
chồng học và chịu phép hôn phối tại xứ Đại Lộc, Quảng Trị.
Vì khó khăn về hành chính khi các linh mục Huế không
thể vượt ra khỏi ranh giới vĩ tuyến 17 để làm việc mục vụ nên đến
ngày 15.8.1996, Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể đã nhờ Đức
Giám mục Phêrô Trần Xuân Hạp giúp đỡ, điều hành các giáo xứ nam sông
Gianh. Cha Phêrô Nguyễn Bình Yên lúc đó đang quản xứ Văn Phú cách đó
chừng 40km được Tòa Giám mục Xã Đoài ủy thác thêm trách nhiệm coi
sóc Trung Quán. Mặc dù vậy, ngài vẫn chưa có thể đến đây dâng lễ và
làm các phép vì chính quyền không cho phép.
Khó khăn đó dần được giải quyết với sự kiện chính
quyền đồng ý sát nhập các giáo xứ còn lại phía nam sông Gianh thuộc
Giáo phận Huế vào Giáo phận Vinh vào thời điểm 2005 gồm Hà Lời, Sen
Bàng, Tam Tòa, Trung Quán, Hoành Phổ, Bình Thôn, Phúc Tín.
Tháng 12.2006, linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng được Đức
Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đặt coi sóc Sen Bàng và các giáo xứ
lân cận đã mở ra một trang sử mới với Trung Quán. Từ đây, đều đặn
diễn ra thánh lễ mỗi tháng một lần. Các ban ngành ngày càng hoạt
động có tổ chức.
Ngày 23.3.2009, dưới sự chứng kiến của các Đức Giám
mục hai Giáo phận, đại diện chính quyền tỉnh Quảng Bình; Đức Cha Cao
Đình Thuyên đã trao Quyết định khôi phục hai giáo xứ Phúc Tín và
Trung Quán và trao bằng sai cho cha Phêrô Lê Thanh Hồng quản nhiệm
các giáo xứ phía nam Sông Gianh, Quảng Bình.
AnTôn Trần Đức Hà
* Nguồn :
Website GP Vinh
|